Tôi có 2 năm công tác tại Xóm Thương Yoga - một phòng tập chăm chút không gian và trải nghiệm người tập nằm trong con hẻm nhỏ gần Vincom Nguyễn Thiện Thuật. Vì vậy những bữa ăn sáng, ăn trưa và ăn xế của tôi gần như gắn liền với chợ Xóm Mới Nha Trang. Tôi tạt chợ như một thói quen nên đôi khi không để ý là bản thân đang ghé chợ, đi chợ, hay ở chợ.
Có một dạo, khi đang đọc “Vai trò của Mẫu Liễu, Thần linh liên quan, ban thờ và nghi thức thờ cúng và các ban thờ tín ngưỡng Tứ Phủ” của Trần Lâm và Nguyễn Đạt Thức, hai nghiên cứu chuyên đề Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa và Sự dung hợp tín ngưỡng thờ Mẫu trong chùa Việt ở Khánh Hòa của tiến sĩ Nguyễn Văn Bốn (2019), thì tôi nhận được yêu cầu từ cô giáo dạy viết cần đọc thêm Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh. Sau đó, khi tập hợp thông tin về thành phố Nha Trang, tôi lại vô tình đọc bài “Từ một thảo am” (Ái Duy, Ở Nha Trang Sóng tựa mây, 2019). Loạt tác phẩm về tín ngưỡng thờ Mẫu này đã bơm vào tôi một nguồn sinh khí mới, khiến tôi muốn tìm hiểu hiện trạng tín ngưỡng thờ Mẫu tại Khánh Hòa.
Tôi tra cứu trên Google, mạnh dạn kết nối trực tiếp với tác giả Ái Duy, và ước chừng rằng quanh chợ Xóm Mới có đền cô Chín tại 44 Võ Trứ. Sau nhiều đợt thăm dò hỏi han, tôi đã tìm đến được ngôi đền tư gia này. Trước dịp lễ vía Mẫu năm 2024, tôi cùng nhiếp ảnh gia Lê Minh Hiếu đã vào thăm ngôi đền, trò chuyện với người trông đền và xin chụp ảnh các ban thờ. Từ đó trở đi, tôi như nhận ra một mạch sống âm ỉ nhưng bền bỉ bao bọc khu chợ này. Mong bài bút ký này sẽ mang lại một hình dung mới về ngôi chợ lớn thứ 2 Nha Trang, gồm dòng chảy giao thương và mạch tín ngưỡng bên trong lòng chợ Xóm Mới.
Chợ Xóm Mới Nha Trang - ngôi chợ lớn thứ 2 thành phố Nha Trang. Ảnh: Lê Minh Hiếu
Được thành lập vào những năm 1960s từ những động cát mênh mông vô định với số lượng sạp cỡ một lớp học nhỏ, chợ Xóm Mới đông dần lên với số lượng tiểu thương chừng khoảng một trường tiểu học, rồi một trường đủ cả ba cấp. Những chiếc bàn gỗ cũ kỹ được tận dụng ở buổi ban đầu dần được thay bằng sạp gỗ, rồi sạp bằng đá có mái che khung sắt, lợp tôn mát mẻ như hiện tại.
Bên trong ngôi chợ lớn thứ hai Nha Trang - Chợ Xóm Mới
Chợ được trải rộng trên một không gian vuông vức. Hàng hoá chủ yếu được bày bán trên mặt bằng ngang để phù hợp với tập tục tạt ngang hằng ngày, mua ngay bán nhanh của người dân địa phương. Mặt hàng tươi sống chiếm hai phần ba tổng địa điểm kinh doanh trong chợ, vì thế, chợ trở thành đầu ra của nguồn thực phẩm dồi dào được nuôi trồng và đánh bắt ngay tại địa phương. Năm 2017, chợ Xóm Mới từng được hãng thông tấn CNN giới thiệu là một trong những nơi các đầu bếp hàng đầu châu Á tìm mua nguyên liệu. [1] Những chiếc quai xách, ban đầu chỉ vài quả bắp dẻo, mấy buồng chuối lấy từ vườn nhà, dăm ba bó mồng tơi, mươi chục trứng gà…, bỗng vụt lớn thành những gian hàng 300m2. Chợ đi qua một lần trùng tu vào năm 1993, và một lần xây lại bảy năm sau đó. Qua vài lượt cẩu thời gian, ngôi chợ này trở thành một khuôn viên khang trang với diện tích 6.000m2 và 1174 lô sạp. [2]
Khác với thói quen họp chợ tại ngã ba sông, bến thuyền (điển hình như Vĩnh Điềm thị tứ ban đầu nằm gần sông Kim Bồng, chợ Đầm - thuở ban đầu nằm gần đầm Xương Huân), chợ Xóm Mới ra đời từ nhu cầu họp chợ tại vị trí kết nối giao thương đường bộ thuận lợi. Nhiều khu chợ tại Nha Trang có cấu trúc hình vòng cung nên người dân chỉ có một lối vào và một lối ra chính, còn chợ Xóm Mới lại có bốn mặt giáp bốn con đường lớn nằm ở trung tâm thành phố Nha Trang, gồm: Ngô Gia Tự, Võ Trứ, Huỳnh Thúc Kháng, và Trần Nguyên Hãn. Vì thế, người dân có thể vào chợ từ nhiều ngõ, việc mua sắm nhờ đó mà trở nên tiện lợi, thông thoáng.
Vào chợ từ mỗi con đường sẽ có một mặt hàng chủ lực chào đón bạn: khi là hàng cá, hàng thuỷ hải sản bên những chiếc máy xay chạy liên hồi, lúc là hàng thịt với máy cạo lông miết sắc lẹm; chỗ là rau củ quả theo mùa mọng giòn mời gọi; nơi là cửa hàng gia dụng, vải vóc, giày dép, áo quần hợp thời trang.
Mặt hàng thịt đón bạn khi đi từ Trần Nguyên Hãn và Huỳnh Thúc Kháng
Hàng cá, thủy hải sản nằm nhiều phía Võ Trứ
Hàng cá, thủy hải sản nằm nhiều phía Võ Trứ
Mặt hàng thủy hải sản đón bạn từ Võ Trứ
Thế giới gia vị rau màu địa phương đa dạng khiến Xóm Mới trở thành địa điểm tìm mua nguyên liệu được các đầu bếp Châu Á yêu thích nhất năm 2017 (do CNN bình chọn)
Rau củ quả và đồ khô dễ dàng tìm thấy ở cả bốn rìa ngoài và khu vực bên trong chợ Xóm Mới Nha Trang
Hàng nhang đèn chăm chút cho mặt tâm linh của người dân quanh chợ Xóm Mới
Sự đa dạng về chủng loại có thể nhìn thấy từ vòng ngoài, ngay sạp gạo, cửa hàng nữ trang, hiệu đồ gia dụng, sạp bánh kẹo, tủ gia vị, và hoa tươi. Sạp gạo bán kèm nếp, đậu đỗ, hạt ăn kiêng, thực phẩm hỗ trợ giảm mỡ, các sản phẩm từ gạo như bánh tráng, bún tươi, bánh bèo, bánh hỏi và bánh xèo chay. Rau củ quả có cả nhóm giòn mọng vừa hái lẫn hàng chế biến sấy khô. Thịt thà có đủ sản vật từ vườn đến đồi, được bán kèm với chà bông sợi, thịt quay sẵn. Cá quy tụ cả họ nhà sông lẫn nhà biển; hải sản đa dạng từ hàng “một nắng", “phơi khô" đến hàng vừa cập bờ - cặp mắt vẫn còn nguyên lớp nhớt. Hàng gia vị (mắm muối, dưa cà, ruốc, tương, chao…) thì phong phú cả về chủng loại, kích thước, cách đóng gói, cách bảo quản, cách chế biến (quy trình kỹ thuật khép kín hay thủ công tại gia) và cách sử dụng (trong ngày, trong tuần hoặc dùng vào ngày biển động). Hàng hoá, nguyên vật liệu được chất thành ụ cao, sẵn sàng giao vào hệ thống nhà hàng, quán ăn. Nổi bật giữa các cửa hàng bánh kẹo là các chủng loại nhập, tuyển, được trau chuốt kỹ lưỡng về bao bì, thành phần và hương vị. Trung hoà các tầng hương ấy là lớp hương thiên nhiên, đủ sức làm mềm không gian đến từ các vườn hoa Ninh Hoà, Đà Lạt. Đặc biệt, không thể bỏ qua các sạp chuyên cung cấp túi nilon, chai can nhựa, dây chun. Nhóm sạp này đông khách không kém gì các quầy thực phẩm và nguyên liệu tươi sống. Hầu như người đi chợ nào cũng quen chân tạt vào đây, đem về khi ít khi nhiều để phân chia thực phẩm trước bảo quản.
Cận cạnh một sạp đồ khô và một sạp nhang đèn bên trong chợ Xóm Mới Nha Trang
Bên trong một sạp hàng bánh kẹo và nhang đèn tại chợ Xóm Mới Nha Trang
Thích nhất là nhu cầu giải khát bình dân (nước mía, nước dừa...) và nhu cầu thờ cúng cũng được quan tâm đáp ứng. Hàng nhang đèn bán cùng phụ liệu phù hợp để đơm lên bàn thờ gia tiên, phục vụ các dịp lễ giỗ, dạm hỏi, cưới xin, nên trưng bày cả nhang trầm, trầu cau, trà rượu... Điểm thu hút tôi giữa sạp nhang đèn chính là chai dầu cát tường lưu li. Hỏi ra mới biết dầu này dùng để thắp đèn thay dầu hoả ngày xưa, không khói và tất nhiên không dùng để nấu nướng.
Những chai dầu cát tường lưu ly thường được các con nhang cúng dường cho đình đền miếu mạo để thắp đèn thay cho dầu lửa ngày xưa
Tôi từng có dịp cộng tác với một thương hiệu nhang lúa nên hỏi thăm về nhang sạch. Chủ sạp ở đây trả lời rằng người dân chưa quan tâm lắm. Họ cho hay tín đồ hầu như đều ý thức được khói nhang không tốt. Trừ vài trường hợp thành khẩn đứng khóc than nguyện cầu giữa khói hương nghi ngút, con nhang đệ từ giờ đây bắt đầu hạn chế đốt nhang. Tại các đình chùa miếu mạo bây giờ, sau khi người thắp hương rời đi, sẽ có người đến lấy nhang dụi vào xô nước đến khi tắt hẳn. Ở chợ, ít có người chủ động hỏi thăm nhang sạch. Khách có để ý đến mùi hương, thường mua rộ vào dịp rằm. Còn lại thì hay ghé sạp tạp hoá trên đường đi đến địa điểm thờ cúng mà tìm mua. Thường những nơi ấy có loại nào họ lấy loại đó, không trả giá hay mặc cả gì.
Cận cạnh một sạp hàng nhang đèn tại chợ Xóm Mới Nha Trang
Cận cạnh một sạp hàng nhang đèn tại chợ Xóm Mới Nha Trang
Cận cạnh một sạp hàng nhang đèn tại chợ Xóm Mới Nha Trang
Đầu thế kỷ XXI, việc lập chợ trở nên thuận tiện hơn, mỗi phường đều có riêng cho mình một ngôi chợ. Trong quy hoạch của thành phố Nha Trang, cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung Bộ (xã Phước Đồng) là chợ đầu mối, chợ Xóm Mới là một trong ba chợ hạng I (bên cạnh chợ Đầm và chợ Vĩnh Hải) [3], còn chợ Phước Thái (tên hành chính của chợ Bình Tân) là chợ hạng II và đang thuộc diện nâng cấp thành chợ hạng I. [4] Vậy mà, nhắc đến hệ thống chợ Nha Trang, dân ở chợ thường xem chợ Đầm là một biểu tượng lâu đời, một trung tâm đầu mối và điểm đến mua sắm cho cả du khách và người dân địa phương; chợ Vĩnh Hải và Bình Tân là những cô thiếu nữ đương độ xuân thì, còn chợ Xóm Mới là một người trung niên chững chạc. Song, người trung niên Xóm Mới ấy lại là một cựu hoa hậu được giới chuyên môn cho kiêm thêm vị trí giám khảo: thường đào tạo, hướng dẫn thế hệ hoa hậu đương thời. Cô giám khảo ấy đã không còn đại diện cho sức sống căng tràn nhưng nét thanh lịch uyển chuyển trong cử chỉ và vẻ duyên dáng trong lời nói đã đạt đến độ mẫu mực, chín muồi. Trước sự gia tăng về số lượng lẫn chất lượng của các chợ vệ tinh, cô vẫn giữ vững vai trò chi phối nhờ khả năng phát triển cả độ phủ lẫn độ sâu.
Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, chợ Xóm Mới dung dưỡng thân phận tầm gửi lâu năm và những cá thể dạt trôi bất chợt. Ở chiều ngược lại, vượt qua những e ấp ban đầu, dòng di dân cũng quen dần với phương thức trưng bày hàng hoá, nếp sinh hoạt giao thương, thói quen, tập tục, thời tiết, sản vật và trở thành một phần của chợ. Cứ như thế, lớp người này đi, lớp người kia tới. Tất cả đều “ở nhờ” cửa chợ, nương tựa nhau, chịu đựng nhau, song hành bên nhau mà tồn tại. Đến nay, Xóm Mới đã trở thành một địa điểm giao thương mà có thể đảm nhận vai trò gian bếp, gian thờ, bàn ăn hàng ngày, và bàn tiệc thịnh soạn. Ý chừng như việc kết hợp hoàn hảo giữa các vai trò, thêm yếu tố bản địa, đặc tuyển và thức thời, chợ Xóm Mới đã tìm thấy phương cách để nắm bắt kịp thời thị hiếu thực khách, và duy trì nét phồn thịnh vốn có.
Những hôm đi công tác sớm, vô tình nghía qua chợ, tôi ngạc nhiên với vẻ tất bật ít dịp nhìn thấy. Những anh chồng thức dậy từ hai ba giờ sáng để đón chuyến hàng sớm ở chợ Đầm, chở về đây dỡ xuống sạp gia đình. Họ giáp mặt vợ mình tầm 4 giờ rưỡi, nói dăm ba câu cập nhật tình hình rồi vội vàng thồ hàng đi giao khắp hang cùng ngõ hẻm. Lúc chợ vắng, họ tranh thủ ngồi nghỉ, dọn dẹp. Cuộc sống tại chợ là những chuỗi ngày dài chạy tiếp sức cùng nhau.
Tôi rất thích nhìn các anh chị cô chú dọn hàng. Ngắm những con ong mải miết chăm chút cho gian hàng của mình, tôi thấy mình không hề đơn độc. Còn nhủ lòng mình phải cố gắng hơn. Có chị chủ sạp rau kể, không cần phải chạy theo mặt hàng thời thượng, chỉ cần tìm được nguồn hàng ngon ổn định, chú tâm vào những điều nhỏ nhặt đơn sơ nhất, đã có thể giữ vững được lượt mua, gia tăng được sản lượng từ mỗi khách hàng. Cũng mớ rau vườn, cũng trái cây rừng, cũng gia vị nhà làm nhưng nhờ đồ tại sạp lúc nào cũng là hàng tươi ngon vừa ăn, hợp vệ sinh, lại vừa túi tiền; cộng thêm chịu khó ghi nhớ sở thích của khách, giới thiệu các món đồ ăn kèm theo mùa là tự dưng sạp hàng trở nên hợp lòng khách. Cuộc sống ở chợ, chị chẳng ham những đợt tăng trưởng vượt trội về sức mua. Cứ “năng nhặt chặt bị”, tích góp những đồng lời nhỏ, chẳng mấy chốc trở thành “tàng thư” ở chợ. Mới thấy, phàm những điều dù bé nhỏ mà được tích góp, nuôi dưỡng, duy trì đủ lâu thành nếp, đều mãnh liệt chứa đựng sức sống riêng.
Lịch sử chợ Xóm Mới Nha Trang gắn với một phần lịch sử di cư của người Việt đến sinh sống tại một làng chài ven biển giữa buổi chuyển mình thành thị xã khang trang, vì vậy một mảnh lịch sử ở chợ có câu chuyện tâm linh của nhóm người phương Bắc nhập cư vào Nha Trang. Tôi đã mường tượng ra họ khi vào bên trong Sòng Sơn Từ (tên chữ Hán của Đền Cô Chín Võ Trứ). Đền được xây dựng những năm sáu mươi của thế kỷ XX trong hẻm cụt số 44 đường Võ Trứ - một con đường lớn nằm bên hông chợ Xóm Mới. Theo lời kể của người trông đền, vì có căn mạng thờ Mẫu nên sau khi di dân từ Hà Nội vào Nha Trang, một thành viên trong gia đình đã lập đền thờ Mẫu tại gia. Nhờ đó mà trong lòng ngôi chợ lớn thứ hai tại Nha Trang, tín ngưỡng Tứ Phủ được thắp sáng và truyền thừa từ những ngày đầu lập chợ, dựng ấp.
Sòng Sơn Từ được đặt theo đền Sòng Sơn ở Thanh Hoá. Đền có ba gian thờ: gian giữa, Tam Toà thánh Mẫu, thờ Vua Cha, ngũ vị Tôn Ông; gian bên trái thờ Mẫu Thượng Ngàn và gian bên phải là gian thờ Đức Thánh Trần. Bên ngoài là bàn thờ ngoại cảnh, ông giám sát và bàn thờ gia tiên.
Sòng Sơn Từ (Nha Trang) còn gọi là Đền Cô Chín trong hẻm 44 Võ Trứ gần chợ Xóm Mới Nha Trang - nơi lưu giữ và truyền thừa mạch tín ngưỡng Tứ Phủ từ những ngày mới lập chợ dựng ấp tại ngôi chợ lớn thứ hai Nha Trang. Ảnh: Lê Minh Hiếu
Qua tìm hiểu, tôi biết được không gian thờ tự ít kết hợp điện Mẫu với ban thờ thánh Trần Hưng Đạo vì Đức Thánh Trần thường gắn liền với việc sát quỷ, trừ tà, cầm cân nảy mực… ít có tính “xuất thần" và tương thông với thần linh các miền vũ trụ. [5] Tuy vậy, tại đền cô Chín Võ Trứ, ban thờ Đức Thánh Trần lại được kết hợp ban thờ Tứ Phủ. (Tôi còn gặp trường hợp kết hợp thú vị thế này ở hai ngôi đền khác tại Khánh Hoà). Sau này đọc được bài "Đền Đông Cuông - Một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt", biết thêm thông tin đền Đông Cuông ngoài thờ Mẫu Thượng Ngàn còn thờ Đức Thánh Trần, Công đồng công chúa, (Bát Bộ) Sơn Trang, Ngũ vị tôn ông và thần Vệ quốc (các vị thần người bản địa có công trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông như Hà Đặc, Hà Chương,...) [6], tôi lại có giả thiết rằng các đền thờ Mẫu Thượng Ngàn thường phối thờ cả Đức Thánh Trần.
Tôi hỏi người trông đền cô Chín, gian ở giữa thờ những ai. Chị lần lượt hướng dẫn: hàng trên cùng là Tượng Tam toà thánh Mẫu (Mẫu đệ Nhất, Mẫu đệ Nhị, Mẫu đệ Tam); hàng thứ hai là tượng Vua Cha, ngũ vị Tôn Ông (đội mũ bình thiên) và bậc ông hoàng (đội khăn đóng); hàng dưới cùng là hai thị giả mà dân gian vẫn gọi là hai cậu. Gian bên trái chính điện (vị trí của tôi nhìn đối diện với ban thờ, xoay lưng ra ngoài) là gian thờ Mẫu Thượng Ngàn - tượng Mẫu mặc khoác xanh uy nghi màu núi rừng, cô Chín Sòng Sơn mặc áo hường đang ngự giá đồng Mẫu và mười hai cô sơn trang. Gian bên trái thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và hai người con nuôi (được dân gán ghép là Cô Quỳnh, cô Quế, được dân gian gọi là chầu Quỳnh & chầu Quế).
Bên trong Sòng Sơn Từ là 3 gian thờ phối thờ Đức Thánh Trần và thần linh thuộc tín ngưỡng Tứ Phủ, vọng về đền Sòng Sơn tại Thanh Hoá. Ảnh: Lê Minh Hiếu
Gian thờ Mẫu Thượng Ngàn có cô Chín và Mười hai cô Sơn Trang dưới tấm hoành Bát Bộ Sơn Trang. Ảnh: Lê Minh Hiếu

.........
Bên dưới là phần giải thích về hệ tôn tượng của tín ngưỡng thờ Mẫu mà tôi đã tìm hiểu được đến thời điểm hiện tại, dành cho những người ngoại đạo muốn tìm hiểu về tín ngưỡng này hoặc các bà mẹ trẻ đang tìm kiếm thông tin được xâu chuỗi một cách có hệ thống để giải thích cho con khi đi đến các đền, điện Mẫu.
1. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, vì sao có lúc đề cập Tam Phủ, có lúc Tứ Phủ? Vì sao Tam Tòa mà lại có đến Tứ Phủ? Tam Tòa và Tứ Phủ thờ những vị thần nào?
Trong bài “Đối thoại với hát chầu văn và lên đồng ở Việt Nam”, GS TS Kiều Thu Hoạch khẳng định rằng trước năm 1908 các văn bản Hán Nôm chỉ đề cập đến Tam Phủ, không đề cập đến Tứ Phủ. “Trong văn bản Nội đạo tràng, các tờ 17A, 18A đều ghi rõ 三 府 ”. Giáo sư cũng liên hệ sách “An Nam phong tục” viết thời Duy Tân (1908) và tái khẳng định chưa thấy Tứ phủ xuất hiện trong các văn bản Hán Nôm ghi chép về tín ngưỡng của người Việt thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX). [7] Như vậy, phải sau năm 1908 cụm từ Tứ Phủ xuất hiện trong văn bản. (Hai mốc sự kiện lớn tại Nha Trang để đối chiếu với thời điểm năm 1908 là 1891 - năm bác sĩ Yersin đến Nha Trang và 1904 - năm bà Vassal đến Nha Trang). GS TS Kiều Thu Hoạch cũng trích lời của GS.TS Ngô Đức Thịnh trong cuốn Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam (2001), rằng “Tam phủ có trước Tứ phủ” (tr. 129)
Về định nghĩa tiếng từ “phủ”, GS.TS Kiều Thu Hoạch trích văn bản Nội đạo tràng tờ 19A (ký hiệu A.2975 Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm) lại ghi: 立廟奉祀命名曰府 (đọc là: lập miếu phụng tự mệnh danh viết phủ (tự trong thờ tự), tạm dịch nghĩa: Lập miếu phụng thờ gọi là Phủ, như vậy phủ chỉ miếu phụng thờ. Ông đồng thời trích định nghĩa của GS Nguyễn Đức Thịnh “Phủ là chỉ các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Địa phủ (miền Đất), Thoải/Thủy phủ (miền sông biển),...”.
Như vậy trước năm 1908 chỉ có Tam Phủ, sau 1908 cụm từ Tứ Phủ mới xuất hiện. Văn bản Hán Nôm định nghĩa phủ là miếu lập để thờ phụng còn giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng phủ là một miền trong vũ trụ do một vị thần thủ ngự.
Tam Toà Tứ Phủ là gì? Tam Tòa Tứ Phủ thờ những vị thần nào?
Trần Lâm - Nguyễn Thức trong bài viết “Tục thờ Mẫu trên dòng chảy tín ngưỡng Việt” đăng trên tạp chí Di sản văn hóa số 2 năm 2013 cho rằng tục thờ Mẫu đã bắt nguồn từ thời nguyên thủy, khi người Việt không còn đặt trọng tâm vào việc thờ các lực lượng tự nhiên, như đất, đá, cây cỏ, loài vật, mà nhân dạng hóa tất cả thần linh. Bà mẹ tâm linh đầu tiên trong hệ thờ Mẫu của người Việt là bà chúa Rừng. Nơi tập trung thờ bà nằm ở Đông Cuông thuộc vùng rừng núi phía Bắc Yên Bái, giáp Lào Cai ngày nay. Tại đây, nhóm thực địa của cố giáo sư Trần Quốc Vượng vào năm 1989 đã tìm thấy nhiều công cụ thuộc nền văn hóa Sơn Vi xung quanh đền thờ Bà Đông Cuông [8] Nhóm Trần Lâm - Nguyễn Thức cũng cho rằng sự phân định giữa cái sống và cái chết của người đương thời làm nảy sinh ra Tứ phủ. Cụ thể, trong thế giới gắn với cuộc sống (sản xuất nông nghiệp) có trời, đất và nước - tượng trưng nguồn sinh lực vô biên và nền tảng cơ bản của kinh tế nông nghiệp, nên có Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải; còn thế giới núi rừng gắn với kiếp đời đã qua (người chết thường được chôn trong rừng) tôn thờ Mẫu Thượng Ngàn. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, chỉ có Tam Toà và Tứ Phủ; không có cái gọi là Tam Phủ. [9] Tam tòa trong ban thờ Mẫu gồm Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Đệ Nhất), Mẫu Địa (Mẫu Đệ Nhị) và Mẫu Thoải (Mẫu Đệ Tam) - ba thế lực siêu nhiên căn bản liên quan tới kinh tế nông nghiệp; còn phủ thứ tư được đắp riêng ở đầu hồi bên phải của tiền bái, để thờ Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu gắn với núi rừng và thường quản lý thế kiếp người đã qua). Phát biểu về Tam Toà Tứ Phủ trên giống cách định nghĩa “phủ” của GS. Nguyễn Đức Thịnh. Còn kết luận không có cái gọi là Tam phủ ở trong tín ngưỡng thờ Mẫu gốc mà Tam Phủ chỉ gắn với các thần nam giới của nhóm tác giả trên được hình thành sau khảo sát thực địa tại khuôn viên chùa Thầy, và nhiều đền Tam phủ nằm bên tả ngạn sông Đáy, thuộc huyện Đan Phượng và Hoài Đức (Hà Nội). Tam Phủ gồm tam vị đức vua cha: Vua cha Ngọc Hoàng, Vua cha Bát Hải, Vua cha Diêm Vương. Trần Lâm - Nguyễn Thức còn cho rằng tam vị đức vua cha ở trên chịu sự ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Ngọc Hoàng trong văn hóa dân gian người Việt có từ thế kỷ XVIII, ở nhiều nơi tam vị đức Vua cha được thay bằng Vua cha Ngọc Hoàng, Nam Tào, và Bắc Đẩu (gửi gắm giấc mơ khuyến thiện trừng ác). [10]
Lưu ý rằng “trong văn bản Nội Đạo Tràng ký hiệu A.2975 Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm trích ở trên có chép ghi hơn 200 nơi từ Vân Cát đến Sòng Sơn do nhân dân lập miếu thờ Chúa Liễu”. [11] Nghĩa là, trước năm 1908 có văn bản đề cập đến Tam Phủ gắn với Nữ Thần là Chúa Liễu Hạnh. Đến nay, vẫn chưa có thêm thông tin khẳng định liệu rằng có sự chuyển hoá và tiếp biến giữa Tam Phủ gắn với nam thần ở thế kỷ XVIII khi tín ngưỡng thờ Ngọc Hoàng phát triển và vết tích Tam Phủ thờ Nữ Thần Liễu Hạnh (trước 1908) hay không, tôi chỉ hệ thống lại các luận điểm quan trọng để dễ tra cứu về sau.
Như vậy, văn bản Hán Nôm thế kỷ XX có ghi nhận Tam Phủ có thờ nữ thần (chúa Liễu), còn vết tích chùa Thầy và đền Tam phủ nên tả ngạn sông Đáy cho thấy Tam Phủ gắn với các vị thần Nam giới (ảnh hưởng bởi tín ngưỡng thờ Ngọc Hoàng được suy đoán phát triển ở thế kỷ XVIII). Trần Lâm - Nguyễn Thức còn tin rằng việc cấy tam vị đức vua Cha vào điện Mẫu chỉ được thực hiện gần đây.
2. Ban thờ Mẫu Tứ Phủ bố trí như thế nào?
Cũng trong công bố của Trần Lâm - Nguyễn Thức, tôi tìm thấy cách bố trí ban thờ Mẫu gồm 4 hệ thống như sau:
1. Hệ thống sáng tạo Tam Toà Tứ Phủ: được phân định giữa cái sống và cái chết, trong đó trời, đất, nước là những yếu tố gắn liền với kinh tế nông nghiệp và cuộc sống, gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Địa; và Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi - nơi chôn kẻ đã khuất.
2. Ngũ vị Tôn ông (đội mũ bình thiên): là những vị thần thực hiện những ý đồ sáng tạo của các thánh Mẫu, trong đó các vị Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ, gắn với 4 thế giới trong vũ trụ, còn vị thứ năm, mang chức năng “kiêm tri đôi nước”. Ngài có bóng dáng nhân thần, có xuất thân từ một nhân vật cụ thể từ thời Trần, đó là Quan lớn Tuần Tranh. Cũng có tư liệu cho rằng Quan lớn Tuần Tranh là Cao Lỗ, một danh tướng thời An Dương Vương.
3. Hệ thống thứ ba, bao gồm Tứ phủ Quan hoàng và Tứ phủ Chầu Bà: (nghĩa là Quan hoàng/Ông hoàng và Chầu Bà thuộc hệ tín ngưỡng Tứ Phủ chứ không phải có tương ứng 4 vị Quan hoàng và 4 vị Chầu Bà). Hệ thống này có chức năng mang và phát huy sự sáng tạo vào thế gian. Đến nay, vẫn chưa đủ cứ liệu để khẳng định hệ thống này ra đời cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu từ sớm hay chỉ được hội nhập vào điện thờ Mẫu từ thế kỷ XVI trở về sau mà thôi. Từ tài liệu tôi tiếp cận được đến thời điểm hiện tại, có 10 vị Quan hoàng và 10-12 vị Chầu Bà (tôi sẽ chia sẻ ở bài viết khác).
4. Hệ thống thứ tư: lực lượng hưởng thành quả của các thánh Mẫu, các Tôn Ông, các Quan Hoàng, các Chúa/Chầu bà, được gọi là Cô và Cậu. Cô cậu được xem là những vị thần linh nhỏ bé, mang tính làm gương cho đời, đồng thời làm thị giả cho các thần linh trên thần điện. Hai tác giả trên ví von cô và cậu với các thiên thần bên Kitô giáo.
Ngoài ra xin được trích đoạn một vài thông tin khác liên quan đến cách bố trí ban thờ:
“Trên cùng, nơi sâu nhất của hậu cung thường là Tam tòa Thánh Mẫu vốn là ba thế lực liên quan tới kinh tế nông nghiệp, gồm: Thánh Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Đệ Nhất), Mẫu Địa (Mẫu Đệ Nhị) và Mẫu Thoải (Mẫu Đệ Tam); hàng thứ hai là Mẫu Liễu Hạnh; ban thờ hai bên thường là các Chầu, cũng có khi là Thánh Phụ, Thánh Mẫu (bố, mẹ thế gian của Mẫu Liễu). Kèm theo đó là những cô và cậu, được tạc tượng khá nhỏ, điểm xuyết hai bên để làm thị giả)” vì “vị trí Mẫu thủ điện (vị thần được thờ chính) được đặt ở hàng thứ hai. Trên cùng của bàn thờ chính là nơi các thế lực siêu nhiên căn bản (Tam toà) thủ ngự.
“Bên ngoài hậu cung, trên cùng là một bộ 3 tượng lớn, đội mũ Bình Thiên, đó là Tam vị Đức Vua Cha, gồm Vua Cha Ngọc Hoàng, Vua Cha Bát Hải và Vua Cha Diêm Vương. Hàng tượng tiếp theo được đặt thấp hơn một chút, đó là nơi của Ngũ vị Tôn ông. Chính giữa là Tôn ông Đệ nhất, hai vị liên quan đến rừng và đất thì ở bên phải; hai vị liên quan đến nước và kiêm tri đôi nước thì ngồi bên trái. Tại những ngôi đền rộng rãi thì các Ngài được ngồi ở hai bên, Tứ Phủ ông Hoàng thì ngồi dàn hàng ngang ở gian bên trái; Tứ phủ Chầu bà ở gian bên phải. Với những điện Mẫu hẹp hoặc tùy theo nhận thức của tín đồ địa phương, sẽ không có hệ Tứ Phủ Quan Hoàng và Tứ Phủ Chầu Bà đầy đủ, cũng như Chầu bà được đặt ở vị trí như kể trên, mà người ta thường xếp tiếp dưới hàng Ngũ vị Tôn Ông. Còn các Chầu Bà, tùy theo từng nơi, nhiều khi được đưa vào thờ phụ ở hai bên của Tam tòa Thánh Mẫu trong hậu cung”
Hai tác giả trên cũng nhìn thấy xu hướng “đưa cả Đức thánh Trần Hưng Đạo với hai người con nuôi của Ngài (được dân gán ghép là Cô Quỳnh, cô Quế) vào hệ thống thần điện Mẫu”.
Nghiên cứu về Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng của GS. Nguyễn Đức Thịnh phần Mẫu Tứ Phủ có bổ sung "Tứ Phủ Chầu Bà được coi là hóa thân, phục vụ trực tiếp của Tứ vị Thánh Mẫu. Có đến 12 chầu Bà, trong đó từ Chầu Đệ Nhất đến Chầu Lục cùng Chầu Bé thường giáng đồng nên thần tích rõ ràng" [12] "Hàng cô là thị nữ của Thánh Mẫu trực tiếp của Tứ vị Thánh Mẫu và các Chầu, Từ cô Đệ Nhất (Cô Cả) đến Cô thứ 12 (Cố Bé) thường Hóa thân thành nhiều vai trò khác nhau. Ví dụ cô Năm thuộc Chầu Đệ Ngũ nhưng có khi hóa thân là thị nữ của Mẫu Thượng Thiên hay Mẫu Thượng Ngàn. Còn các cậu là những người chết trẻ, từ 1-9 tuổi, hiển linh thành các thánh, là các phụ tá của các Quan Hoàng" [13]
3. Ban thờ Mẫu Tứ Phủ tại Sòng Sơn Từ (Đền Cô Chín) Nha Trang bố trí như thế nào?
Tôi như lãnh lương tháng trước ngày - đúng lúc hết sạch tiền khi đọc được các bài viết trên. Các bài viết giúp tôi định hình và phân biệt đâu là Ngũ vị Tôn ông, đâu là Tứ Phủ Quan hoàng khi nhớ lại chia sẻ của người thủ đền về vị trí ban thờ tại Sòng Sơn Từ Nha Trang - Đền Cô Chín Võ Trứ chợ Xóm Mới: gian giữa gồm Tam Tòa Thánh Mẫu, Đức Vua Cha, Ngũ Vị Tôn Ông và Tứ Phủ quan Hoàng.
Đền thờ này có đủ Tam Toà Tứ Phủ, Ngũ Vị Tôn Ông và Tứ Phủ Quan Hoàng (nhưng chỉ có 4 vị Quan Hoàng và 1 vị chầu Bà - cô Chín). Và theo chú giải cách bài trí ở trên, không có tượng thờ Mẫu Liễu Hạnh nên Đức vua Cha ở đây nhiều khả năng là Ngọc Hoàng, không phải thánh Phụ (cha Mẫu Liễu ở trần gian). Vì tấm hoành ở giữa tán tụng Mẫu Nghi thiên hạ nên vị thủ điện ở đây là Thánh Mẫu, có thể Tam Toà. Đức vua Cha ở hàng thứ hai cũng có thể là vị thần thủ điện (theo cách bài trí của Trần Lâm - Nguyễn Thức ở trên) hoặc cũng có thể do diện tích hẹp nên ban chầu vua Cha, Ngũ Vị Tôn Ông và Tứ Phủ ông Hoàng tích hợp vào luôn ban thờ Tam Toà - thường đặt ở hậu cung nếu đền rộng). Không rõ Chầu Bà xuất hiện ở giá đồng đền thờ này, nhưng là Cô Chín. Đền chỉ có 1 vị vua cha thay vì tam vị đức vua Cha.
Ban thờ Tam Toà Tứ Phủ tại Sòng Sơn Từ Nha Trang (đền cô Chín tại hẻm 44 Võ Trứ gần chợ Xóm Mới Nha Trang). Ảnh: Lê Minh Hiếu
Đức Mẫu Thượng Ngàn ngự chín tầng mây
Cô Chín mắc võng ngự rày cây sung*
Nhu cầu kết nối với thế giới người đã khuất lúc nào cũng trực trào trong tâm thức người ở chợ. Nên con nhang đến đền cũng dừng lại lâu tại gian thờ Mẫu Thượng Ngàn.
Nguyễn Đức Dũng, trong "Đền Đông Cuông - Một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt", Tạp chí di sản văn hóa số 3 - 2006 cho rằng Mẫu Thượng Ngàn, theo truyền thuyết, là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương tên là La Bình. Khi Tản Viên và Mỵ Nương theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế về trời, trở thành hai vị thánh bất tử, thì Ngài phong La Bình là Công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, nghĩa là trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam ta. Công chúa Thượng Ngàn gắn với các công đức âm phù nên được các triều đại phong kiến sắc phong, tạ ơn, như: Âm phù tướng sĩ của nhà Lý đánh quân Tống, tướng sĩ nhà Trần đánh quân Nguyên Mông, che chở nghĩa quân Lam Sơn lúc khó khăn… Đó là lý do Mẫu Thượng Ngàn gắn với thế giới người âm, những kiếp đời đã khuất. Mẫu được thờ chính ở đền Đông Cuông, Yên Bái. Tại đền Đông Cuông, Mẫu Thượng Ngàn được xem là Mẫu Đệ Nhị. [14] Còn GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, Mẫu Thượng Ngàn là hóa thân của Thánh Mẫu toàn năng trông coi miễn năng núi, đặc biệt là địa bàn sinh sống chính của nhiều dân tộc thiểu số. Hai nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn chính Suối Mỡ (Hà Bắc cũ) và Bắc Lê (Lạng Sơn). Mẫu là con gái Vua Hùng, gắn bó với núi rừng, yêu thiên nhiên, cây cỏ, muông thú, và là thần bảo hộ cho rừng núi, bản làng. Ở Tây Nguyên, tục thờ Mẫu do người Việt mang vào đồng nhất Mẫu Thượng Ngàn với mẹ Âu Cơ. Bởi thế, các động Sơn Trang ở các đền Tây Nguyên thường tái hiện sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ. [15]
Hầu cận Mẫu Thượng Ngàn là những người đàn bà đẹp, hoặc chết trẻ, hoặc bị oan mà chết, hoặc có công với bà con xóm giềng nên được Mẫu thương cho hầu cận.
Gửi lời nguyện vào Mẫu, vào mười hai cô sơn trang, vào những người đàn bà xa lạ từng trải qua tai ương nay hiển linh bên Mẫu, những con nhang mong người thân đã khuất của mình cũng được hưởng diễm phúc hầu cận và tái sinh trong Mẫu. Còn phận đời cay cực của mình, khi biết đến sự tồn tại của những mảnh đời cũng từng lâm vào cảnh ngộ bất trắc như thế, họ thấy lòng mình tự dưng chợt hướng lên cao, thoát ra mọi vặt vãnh, chênh chao.
Người đâu đẹp lạ đẹp lùng
Rõ ràng cô Chín đền Sòng giáng lâm *
Trong tác phẩm Mẫu Thượng Ngàn, Nguyễn Xuân Khánh cho rằng Cô Chín là người hầu cận của Mẫu. Cô rất thiêng, thường ban tài phát lộc, nhất là ban con. Một thuyết khác cho rằng Cô Chín là con gái thứ 9 của Ngọc Hoàng Thượng Đế (tức Cửu Thiên Huyền Nữ). Cô giáng trần, trước cô bán nước ở cổng đền Ba Dọi, từng theo hầu mẫu Sòng (Mẫu Liễu). Trong trận chiến giữa Tiền Quân Thánh và Chúa Liễu Hạnh tại Sòng Sơn, khi Mẫu Liễu lâm nạn, biến thành con rồng ẩn về chín cái giếng thiêng - nơi Cửu Thiên Công Chúa đang ngự; bấy giờ, Cửu thiên Huyền Nữ đã hóa phép che chở cho Mẫu Liễu. Để cảm tình cưu mang của Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Liễu Hạnh kết nghĩa chị em với Cửu Thiên Huyền Nữ sau khi theo Phật. Bởi vậy, hàng năm khi lễ rước bóng Thánh Mẫu Liễu Hạnh bao giờ kiệu rước Thánh Mẫu cũng được rước đi từ Đền Sòng sang đền Cô Chín. [16] Còn GS. Ngô Đức Thịnh thì cho rằng Cô Chín là thị nữ của Mẫu Thượng Ngàn, khi giáng đồng thường nói tiếng Mán, tiếng Mường, cầm bó hương cháy rực trên tay, thuê hoa trên tấm vải. Cô trông coi đền Sòng Sơn linh Thiêng [17]
Thỉnh mời bát bộ sơn trang
Bên thời thập nhị thiên nương vào chầu *
Có nguồn giải thích Bát Bộ Sơn Trang như sau: khi giáng trần, Mẫu Thượng Ngàn sinh được ông Đỗ Đống, ông này sinh được 8 người con, sau trở thành tám vị tướng đã hộ quốc an dân chống giặc ngoại xâm, được suy tôn là 8 tướng sơn trang – Bát bộ Sơn trang, các vị này được giao cai quản Các Lũng, Các Nương Núi Rừng. [18] Còn 12 cô sơn trang hầu cận Mẫu, trong tâm tư của những con nhang tôi có dịp trò chuyện tại đền, là hoá thân 12 bà mụ nâng đỡ bước chuyển kiếp, tái sinh của các linh hồn. Cũng theo các tín đồ, cô cậu là hiện thân kiếp sống mới nơi trần gian khi linh hồn được trở lại cõi nhân sinh, và là người chuyển đi những lời cầu lên các vị chầu Bà, Quan Hoàng, Tôn Ông và Thánh Mẫu.
Ngoài ra cũng trong bài "Đền Đông Cuông - Một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt", Nguyễn Đức Dũng viết về tích thờ Ngũ vị Tôn ông như sau: “Năm Giáp Dần (1914), nghĩa quân Tày, Nùng, Dao huyện Trấn Yên khởi nghĩa chống Pháp thất bại, bị chính quyền thống trị Pháp hành hình, trong đó 5 ông người Tày họ Hà, Hoàng, Lương, Nguyễn quê ở Đông Cuông… được nhân dân xưng phong là Ngũ Vị Tôn ông và được thờ tại đền Đông Cuông.” Như vậy, ít nhất có hai thuyết giải thích về Ngũ Vị Tôn Ông. [19]
Theo chân những cư dân Việt từ miền Bắc vào định cư, Sòng Sơn Từ trở thành chiếc neo tâm linh và cảm xúc tại Nha Trang. Thế lực siêu nhiên xa lạ từ cõi thiêng bỗng dưng hiện hữu sống động trong cốt cách phàm nhân nơi câu chuyện và ước mong của những người con xa xứ. Những người đàn bà ở chợ, mỗi lần về với Mẫu, họ có cảm giác không phải về với một đấng linh thiêng xa vời mà là về với người đã lặng lẽ chấp nhận bản thân họ, chọn tin tưởng và đứng về phía họ, tái sinh nghị lực cho họ. Mẫu cho trời yên bể lặng, cho cây đồi thoảng hương. Mẫu cho cá tươi, cho thịt chắc, cho mùa màng sinh sôi. Mẫu hướng dẫn họ tìm nguồn hàng, phù hộ họ mua may bán đắt. Giữa dòng bán buôn đầy ắp toan tính ước vọng, những đứa con xa quê chợt tràn trề sinh lực trong tình thương của Mẫu. Về bên Mẫu là niềm hạnh phúc lớn lao đã ủi an nỗi cay cực nơi kiếp đời lầm than. Về bên Mẫu, giấc mơ chợt có hình hài, những khẩn khoản van nài càng trở nên thống thiết. Không gian chợ tạm bợ trở nên thiêng hoá, nhịp sống tủn mủn thường nhật ánh lên niềm hy vọng. Thói quen nương tựa và thực hành tín ngưỡng quanh cửa chợ Xóm Mới dần tạo nên một lớp trầm tích bản địa riêng có và đặc sắc, trải rộng theo tháng năm.
Người ơi! Bể bạc rừng vàng
Đem cho trăm họ giàu sang đời đời *
Rời đền cô Chín, tôi luôn để ý hình ảnh người thủ đền (tôi đã trò chuyện với hai người trông đền là hai người nữ khác nhau) chăm sóc một vị cao niên. Tôi định tâm năm nay sẽ không bỏ lỡ 36 giá đồng vào ngày giỗ Mẫu.
“Hầu đồng là làm cho lòng ta đạt tới chỗ tâm hư, để hoà đồng cùng với thế gian. Thần thánh cũng ở trong ta. Phàm tục cũng ở trong ta. Tất cả thế gian đều là một”. Thời gian dành cho buổi chầu là “làm sao cho mình hoà vào với Mẫu” - Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã từng viết như thế.
………
Bài viết này là bước ngoặt trong những chuỗi ngày theo đuổi các nghiên cứu về lịch sử văn hoá, lịch sử tín ngưỡng của tôi. Từ một người phải đặt cây thước lên trang sách để đọc từng dòng nay tôi đã có thể tổng hợp tư liệu để viết thành bài viết hoàn chỉnh, chuyển tải được mạch đời và nhịp tín ngưỡng tại chợ Xóm Mới Nha Trang. Ý thức được lượng kiến thức phong phú trong bài viết, để bạn đọc không ngộp, tôi đã thử chuyển tải bài viết sang dạng truyện ngắn. Nhưng sau cùng tôi đã chung thuỷ với bút ký - thể loại đã được nhiều nhà nghiên cứu khác sử dụng. Chuỗi bút ký này nằm trong một dự án dài hơi nhân 100 năm kỷ niệm Nha Trang hình thành và phát triển (nay đã là năm thứ 101!). Vài cộng sự đã đến và đã rời đi vì không thể chờ đợi được đứa con tinh thần của tôi. Đành lưu lại trên đây. Mong hữu duyên sẽ có bạn đọc tìm được và ở lại.
Bài viết thuộc về tác giả và một dự án đã đăng ký. Vui lòng không đăng lại, không sao chép sử dụng vào mục đích SEO du lịch, thương mại khác. Với các bài viết nghiên cứu và học thuật, xin vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi viện dẫn thông tin. Chân thành cảm ơn.
..........
[1] Như Thảo, Chợ Xóm Mới Nha Trang được đầu bếp hàng đầu châu Á yêu thích (2017), truy cập tháng 11, năm 2024. Chi tiết tại: https://baokhanhhoa.vn/doi-song/201709/cho-xom-moi-nha-trang-duoc-dau-bep-hang-dau-chau-a-yeu-thich-8051790/
[ 2] Số liệu 18/12/2021, Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cùng sở, ngành, địa phương đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19: https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202112/ong-le-huu-hoang-kiem-tra-cong-tac-phong-chong-dich-tai-cho-xom-moi-tp-nha-trang-8238408/
[3] Thông tin 30/7/2015, Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Bộ Công Thương, trong đó cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung Bộ (xã Phước Đồng) là chợ đầu mối, 3 chợ hạng I là: chợ Vĩnh Hải, chợ Đầm và chợ Xóm Mới.
[4] Cuộc họp rà soát Đề án quản lý, khai thác, kinh doanh chợ và bàn giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng chợ tự phát trên địa bàn thành phố đề cập đến các vấn đề sau: chợ Phước Thái (tên hành chính của chợ Bình Tân) được đề xuất nâng cấp thành chợ hạng I; xây dựng chợ Nam Hòn Khô; nâng cấp các chợ đã xuống cấp và mở rộng các chợ hiện có đang quá tải như chợ Vĩnh Ngọc, chợ Ga – Vĩnh Thạnh, chợ Phước Hải, chợ Vĩnh Lương… nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo công tác phòng chống dịch. Nội dung cuộc họp cũng có đề cập chợ Phương Sơn Phước Thái là chợ hạng II, chợ hạng III là Vĩnh Thọ, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thái.
[5] Trần Lâm - Nguyễn Đạt Thức, “Vai trò của Mẫu Liễu, Thần linh liên quan, ban thờ và nghi thức thờ cúng" đăng trên Tạp chí di sản số 3 (44) - 2013, trang 78.
[6] Nguyễn Đức Dũng, “Đền Đông Cuông - Một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt", Tạp chí di sản văn hoá số 3 năm 2006, tr. 79
[7] Kiều Thu Hoạch, Đối thoại với hát chầu văn và lên đồng tại Việt Nam, tạp chí di sản văn hoá số 1 - 2017, tr.58
[8] Trần Lâm - Nguyễn Thức, “Tục thờ Mẫu trên dòng chảy tín ngưỡng Việt”, số 2 - 2013, tr. 58 và Nguyễn Đức Dũng, Đền Đông Cuông - Một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt", Tạp chí di sản văn hoá số 3 năm 2006, tr.78
[9] Trần Lâm - Nguyễn Đạt Thức, “Vai trò của Mẫu Liễu, Thần linh liên quan, ban thờ và nghi thức thờ cúng" đăng trên Tạp chí di sản số 3 (44) - 2013, trang 78 và Trần Lâm - Nguyễn Thức, “Tục thờ Mẫu trên dòng chảy tín ngưỡng Việt”, số 2 - 2013, tr. 60
[10] Trần Lâm - Nguyễn Đạt Thức, “Vai trò của Mẫu Liễu, Thần linh liên quan, ban thờ và nghi thức thờ cúng" đăng trên Tạp chí di sản số 3 (44) - 2013, tr.77-78
[11] Kiều Thu Hoạch, Đối thoại với hát chầu văn và lên đồng tại Việt Nam, tạp chí di sản văn hoá số 1 - 2017, tr.58
[12] Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Hà Nội 2023, tr. 91
[13] Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Hà Nội 2023, tr. 93
[14] Nguyễn Đức Dũng, Đền Đông Cuông - Một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt", Tạp chí di sản văn hoá số 3 năm 2006, tr.79
[15] Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Hà Nội 2023, tr. 89
[16] Xem thêm: https://dencochin.vn/
[17] Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Hà Nội 2023, tr. 93
[18] Xem thêm: https://phuday.com/bat-bo-son-trang-la-ai.html
[19] Nguyễn Đức Dũng, “Đền Đông Cuông - Một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt", Tạp chí di sản văn hoá số 3 năm 2006, tr. 79
* Các câu thơ về Mẫu Thượng Ngàn, cô Chín, Bát Bộ Sơn Trang được trích từ tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.