Card image cap

GIẾNG CỔ CHAMPA - NGUỒN NƯỚC LÃ XUẤT KHẨU DỒI DÀO XA XƯA

Mình lớn lên ở Khánh Hoà (tiểu vương quốc Kauthara). Lấy chồng người Quảng Trị (chúa Nguyễn Hoàng khi vào trấn Thuận Hoá đã lập dinh Ái Tử ở đây). Còn quê mình thì ở Bình Định (kinh đô vương quốc Champa sau thế kỷ XI đến trước 1471). Vì thế, mình đến với nền văn hoá Champa để tìm hiểu nét đẹp của tộc người đã từng làm chủ vùng biển miền Trung Việt Nam và sinh sống trải dài khắp vùng đất từ Quảng Trị đến Khánh Hoà cách đây 368 năm. Mình quan tâm đến quá trình tổ tiên mình trong quá trình thiên di từ Thuận Hoá, Quảng Nam vào Khánh Hoà đã tiếp thu, dung hoà và định hình nét đẹp bản sắc ra sao, sau cuộc va chạm lịch sử ấy. Mình thật sự thích thú khi phát hiện nón lá, bánh ít, bánh tét, thói quen ăn gỏi, tập tục thờ Thiên Y A Na... đều có nguồn gốc Chăm.

Khi tiếp cận nền văn hoá Champa, mình nhận thấy tâm huyết của thầy Sakaya, thể hiện rõ ràng ở phần thầy viết về tri thức bản địa, qua cuốn sách “Tiếp cận một số vấn đề văn hoá Champa”. Thầy chia sẻ rằng nội dung tri thức bản địa “phản ánh tính hiệu quả và thích nghi cao giữa thiên nhiên và con người. Đây chính là hệ kiến thức đã được trải nghiệm qua nhiều đời, đúc kết lại. Nó là kho tư liệu phản ánh toàn bộ nhận thức về tự nhiên và xã hội của mỗi tộc người.” Vì vậy, tri thức bản địa cần được bảo tồn và phát huy nhằm tránh “sự nhất thể hoá trong nền kinh tế hiện đại, làm thui chột và hoà tan bản sắc văn hoá dân tộc trong văn hoá toàn cầu”. Tri thức bản địa nổi bật của người Chăm chính là hệ sinh thái nước. Tri thức này chứng minh khả năng “thích nghi và ứng biến tài tình của người Chăm với mọi hệ sinh thái từ núi rừng, đồng bằng châu thổ, hệ thống thuỷ lợi đến biển khơi ở vùng miền trung để làm giàu đất nước 1 thời nổi tiếng”. Trong quá trình khai thác, người Việt đang xem các nét văn hoá của ngời Chăm là chậm tiến, cần phải xoá bỏ để theo văn hoá mới theo kiểu người Kinh. Đây là nét ứng xử trái ngược với cách ứng xử của các quốc gia phát triển. World Bank thiết lập chương trình “tri thức bản địa cho sự phát triển”. Chủ tịch World Bank từng cho rằng: “tri thức bản địa là phần không thể thiếu trong văn hoá và lịch sử của cộng đồng đại phương. Chúng ta cần thiết phải học hỏi từ cộng đồng địa phương để có thể thúc đẩy sự phát triển. Trong nghiên cứu phát triển, môi hình mới cho sự phát triển như “từ dưới lên” hay nông dân là đầu tiên, “phát triển tham dự” thay thế cho mô hình “trên dưới” đã đang chứng minh tính hiệu quả của nó trong các chương trình phát triển áp dụng cho các nước nghèo và các nước đang phát triển”. 

Hệ sinh thái nước tại xóm làng của người Chăm còn một các lĩnh vực nghiên cứu mà các nhà khảo cổ người Pháp bỏ quên khi mải mê nghiên cứu đền tháp Champa.
Nhờ khai thác và sử dụng hệ thống nước hợp lý, người Chăm đã biến khu đồng bằng miền Trung khô hạn thành cánh đồng trù phú. Đập Nha Trinh, đập Marên ở Ninh Thuận, và giếng cổ Thành Tín là những ví dụ sống động. 
  • Đập Nha Trinh là công trình do vua Po Klaong Garai xây dựng vào thế kỷ XIII, với kỹ thuật xây dựng đơn giản, ít tốn kém, chủ yếu làm bằng gỗ đá, đặc biệt vùng chân đập người Chăm còn trồng cây phun salai để chống xói mòn chân đập trong mùa nước lũ, đến nay vẫn còn rất chắc, quanh năm vẫn còn giữ được nước tưới cho đồng bằng Ninh Thuận. Trong khi đó, các công trình thuỷ lợi hoàn toàn mới do các cán bộ từng xem đập Nha Trinh là lạc hậu, và áp dụng khoa học kỹ thuật tiến tiến để xây dựng, thì chỉ quá mùa nước lũ đã lập tức vỡ ra, sau nhiều lần khắc phục sự cố, đập mới vẫn không sử dụng được, cuối cũng phải sử dụng lại đập nước cũ của người Chăm có tu bổ thêm.
  • Giếng cổ Champa được xem là nguồn nước lã ngọt xuất khẩu và bán cho các lái buôn ghé vào Ninh Thuận. Qua miêu tả của người Ba Tư và Ả Rập, tác giả cho rằng loại nước giếng đó có thể là loại giếng nước ở Thành Tín Ninh Thuận. “Theo các nguồn thư tịch Trung Hoa và Tây Phương, Người Champa xưa tranh thủ xuất khẩu đủ mọi thứ, trong đó nước lã ngọt ở các giếng Chàm ven biển. Nhiều tư liệu của Ba Tư, Ả Rập từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIV ghi chép lại cho biết người Chăm thường “xuất khẩu nước lã” cho các thương thuyền quốc tế đi vào biển Champa lúc bấy giờ. Để có nước lã này, người Chăm thường đào giếng ở dưới chân cồn cát, ven biển và giếng rất trong, ngọt và không bao giờ cạn”. Tác giả sử dụng phương pháp so sánh lịch đại và đồng đại trong nghiên cứu văn hoá lịch sử, để so sánh giếng cổ giữa các vùng khác nhau của người Chăm. “Lịch đại là nhìn vấn đề theo trục thời gian để thấy được giữa truyền thống và biến đổi Chăm xưa và nay, và so sánh đồng đại để tìm ra những yếu tố tương đồng và dị biệt trong nền văn hoá Chăm giữa các vùng khác nhau”, cụ thể ở đây là thói quen tập tục sử dụng giếng nước tại Quảng Trị và Ninh Thuận. Ông trích lời cố GS. Trần Quốc Vượng để minh hoạ “giếng cổ người Chăm Ninh Thuận là 1 thuỷ hệ - một hệ nước có nhiều chức năng sử dụng khác nhau chứ không phải là một hệ thuỷ lợi như Do Linh – Quảng Trị, mặc dù kỹ thuật xây dựng giếng như nhau”. Cụ thể là phần đầu nguồn của miệng giếng tại Ninh Thuận thì dùng để uống; phần kế tiếp là nước thứ hai dùng để tắm giặt; phần nước thứ ba dùng làm nước cho trâu bò uống; và phần nước cuối cùng là chảy vào ruộng lúa.

Đọc đến đây, mình đã tiến hành mục sở thị giếng cổ Thành Tín, và đập Nha Trinh. Tuy nhiên, cả 3 lần đi Ninh Thuận của mình đều không đến được đập Nha Trinh, chỉ đến được Thành Tín. Bên dưới là hình ảnh giếng cổ Champa tại Thành Tín mình chụp được và trích đoạn tác giả mô tả về loại giếng này, xin giới thiệu với bạn đọc: “Loại giếng người Chăm ở làng Thành Tín - Ninh Thuận đang sử dụng, có hai loại giếng đực và giếng cái. Giếng hình vuông, có độ sâu khoảng 1.5m được đóng giàn bằng gỗ hình vuông ở ba mặt đông, tây, nam cao hơn mặt đất khoảng 0.5m; còn 1 mặt bắc để trống gọi là miệng giếng, ăn thông vào 1 con mương nhỏ chảy vào cái bàu nước cho dân làng làm lúa. Mạch nước chảy ngầm từ cồn cát về quanh năm nên giếng không khô hạn. Riêng giếng cái được chia làm 3 phần, mỗi phần có chức năng sử dụng khác nhau: phần thứ nhất dùng để uống; phần kế thứ hai nước từ nước nguồn chảy ra dùng để tắm giặt; phần nước thứ ba từ phần ước tắm giặt chảy ra là dùng cho trâu bò uống và phần còn lại chảy vào ruộng lúa. Hiện nay, giếng cái này vẫn là nguồn nước sinh hoạt và sản xuất chính của dân làng. Giếng đực chỉ sử dụng lấy nước để cúng thần trong những dịp cúng tế; Dân làng không được sử dụng vì sợ ô uế; giếng cái dùng để dân sinh hoạt hàng ngày. Cả hai giếng đều có kiểu giống nhau.
 
Đây là Giếng đực, khác với thông tin thầy Sakaya cung cấp, theo người dân trong thôn thì đàn ông tắm giếng này. Họ thuộc nhóm người Chăm Bani.
 
Còn giếng cái do phụ nữ sử dụng. Bước vào cổng sẽ thấy giếng đực trước, giếng cái sau, rồi mới men theo dòng nước ra cánh đồng. 
 Giếng cổ dẫn ra ngay đồng lúa bát ngát này

1 Nguyên văn trong Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2002): Đại Nam Thực Lục – Tiền Biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, t1, tr68 – 69 “… Bấy giờ có vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm xâm lấn Phú Yên, sai Cai cơ Hùng Lộc  (không rõ họ) làm Thống binh, lãnh 3.000 quân đi đánh. Quân đến Phú Yên, các tướng đều muốn dừng lại để dụ địch. Hùng Lộc nói:  “Ra quân lúc không ngờ, đánh giặc lúc không phòng bị, là mưu hay của nhà binh. Nay quân ta từ nơi xa đến, lợi ở sự đánh chóng, cần gì phải dụ”. Bèn tiến quân vượt đèo Hổ Dương núi Thạch Bi, đánh thẳng vào thành, nhân đêm phóng lửa đánh gấp, cả phá được. Bà Tấm trốn chạy. Lấy được đất đến sông Phan Rang. Bà Tấm sai con là Xác Bà Ân mang thư xin hàng. Hùng Lộc đem việc báo lên. Chúa y cho, khiến lấy sông Phan Rang làm giới hạn, từ phía đông sông đến địa đầu Phú Yên chia làm hai phủ là Thái Khang (nay là Ninh Hòa) và Diên Ninh (nay là Diên Khánh). Phủ Thái Khang có 2 huyện: Quảng Phúc và Tân  An; phủ Diên Ninh có 3 huyện: Phúc Điền, Vĩnh Xương và  Hoa Châu. Đặt dinh Thái Khang (nay là Khánh Hòa) cho Hùng Lộc trấn  giữ. Phía tây sông Phan Rang vẫn về Chiêm Thành, bắt giữ lệ chức cống...”
2 Nguyễn Man Nhiên (2004): Từ Dinh Thái Khang đến tỉnh Khánh Hòa, Hội văn hóa Nghệ thuật Khánh Hòa xuất bản.

* Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho Du lịch văn hoá để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

1142 lượt xem

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật