Card image cap

Du lịch văn hóa

Chào mừng các bạn đến với blog của mình,

Mình là Thuỷ Tiên, sinh 1987... Mình học marketing và có hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực này. Kế hoạch 5 năm lần thứ I của mình kết thúc khá mỹ mãn. Một dự án mình tham gia có tên là E50 từng được tạp chí Interactive Singapore vinh danh PR Awards, hạng mục Best use of content. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin dự án này lại đây

Tuy nhiên, 5 năm lần thứ II của mình lại gần như đảo lộn. Mình lập gia đình, sinh con và chủ yếu làm việc tự do. Nghĩa là mình không quay lại sở làm sau mốc nghỉ thai sản 6 tháng, vì thuộc tuýp các bà mẹ mong muốn ở cùng con càng nhiều càng tốt trong 5 năm đầu đời. Khoảng thời gian làm việc toàn thời gian với các nhãn hàng trong giai đoạn này bị gián đoạn, đơn vị làm lâu nhất cũng chỉ hơn 1 năm. Trong năm năm lần thứ II, mình tham gia quản lý rất nhiều fanpage, viết nội dung và thực hiện các chiến dịch truyền thông quảng bá cho nhiều nhãn hàng, chuẩn bị nội dung cho nhiều người nổi tiếng đăng tải trên trang cá nhân của họ, nhưng trang cá nhân của mình chưa từng được chăm chút. Mình thậm chí còn không lập nổi trang blog cho bản thân luôn. Thế nên, trong đợt giãn cách xã hội toàn thành phố Nha Trang giữa đợt dịch Covid-19 lần IV này, mình quyết định hành động. Blog này được lập ra để làm nốt lời hứa với bản thân từ thời còn son rỗi.

Còn nhớ bảy năm trước, sau khi đến khách sạn Shangri-La nhận giải PR Awards, mình hứng chí thiết kế một tour du lịch xuyên Đông Nam Á và nhận ra: hầu hết các điểm du lịch gợi ý đều gắn liền với chùa. Là người Công giáo lại không thích selfie, mình thật sự không biết nên đến chùa làm gì cả. Dù đã bỏ công bỏ sức tìm kiếm trên Google, mình không tìm ra điểm khác biệt giữa chùa Việt và các chùa ở Đông Nam Á, đặc biệt là điểm khác biệt giữa các hệ tượng trong chùa Việt chùa tại các quốc gia láng giềng. Gần đây, khi tìm hiểu về bức phù điêu trên tráng cửa tháp Bà Ponagar Nha Trang, Google cho mình rất nhiều kết quả: phù điêu ấy khắc thần Shiva, phù điêu ấy là vợ thần Shiva – tức thần Parvati cũng là tính nữ của thần Shiva, nữ thần Uma, nữ thần Bhagavati, rồi Durga, thậm chí là bà Đen, và một vị thần chuyên nhảy múa của người Chăm. Tất cả đều không có trích dẫn nguồn để giải thích cho lập luận của mình. Trước đó, trong đợt tham quan làng dệt Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc Ninh Thuận, khi mình đưa tay chỉ vào bất cứ bức tượng nào, người dân địa phương cũng trả lời là “đó là tượng thần Shiva”. Khi bị mình gặng lại hỏi “sao bức nào cũng là thần Shiva vậy chị?”, mình chỉ nhận được cái nhúng lắc đầu. Điều này khiến mình bất mãn ghê gớm.

Cũng trong chuyến đi du lịch xuyên Việt 7 năm trước, mình ghé thăm chùa Bút Tháp, chùa Dâu, đền Kinh Dương Vương tại Bắc Ninh và lần đầu được nghe về Tứ pháp. Các thông tin về tượng Phật theo hệ Tứ pháp có dạng người nữ (gồm cả Phật Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Vũ, Pháp Phong và Phật Hoàng Trần Nhân Tông), rồi hình ảnh chú cừu của thái thú Sĩ Nhiếp – ngưởi sau này được gọi là Nam giao học tổ (ông tổ của nền học vấn nước Nam) đã thật sự cuốn hút mình. Nhưng để tìm hiểu sâu hơn về chúng sau chuyến đi thật sự không hề dễ dàng. Tài liệu lịch sử văn hoá đa phần đang tồn tại tản mác, không dễ truy cập trên không gian số, nội dung và văn phong lại khá hàn lâm, cực kỳ gây buồn ngủ. Sách thì khó đọc vì phần nhiều là kỷ yếu của hội thảo chuyên ngành, luận án tiến sỹ, và hầu như không có khái niệm cơ bản cho người mới bắt đầu. Các bạn theo học ngành xã hội, văn hoá lịch sử, nhân học... có thể không đối mặt với tình huống tương tự. Tuy nhiên, những bạn theo ngành kỹ thuật và kinh tế trong mạng lưới của mình hầu hết gặp tình huống như sau: háo hức mua mấy cuốn sách được quảng bá rầm rộ về đề tài bạn ấy quan tâm, và nhận ra không hề có thông tin mình cần, hoặc chỉ có 5-10 trang thông tin dạng sơ khởi, gợi ý tìm hiểu, khiến người mua sách vừa tiếc của vừa nản chí. Điều này dễ khiến mong muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hoá chết ngay từ trong trứng nước.

Sau gần 3 năm vừa công tác bên chuyên ngành truyền thông marketing vừa mày mò nghiên cứu về lịch sử văn hoá, từ một người không có nền tảng về lịch sử văn hoá, mình như bị thôi miên và nhận ra lĩnh vực này là chân trời mới cực kỳ thú vị. Mình tin rằng: nếu nắm được những câu chuyện đằng sau bức tượng, giếng nước, mái đình; nguyên nhân đằng sau cách bài trí trên bàn thờ, về các vị thần tại gia.., phông nền cuộc sống của chúng mình chắc chắn sẽ thú vị và màu sắc hơn, các chuyến du lịch vì thế mà trở nên đáng nhớ hơn rất nhiều.

Từ đó, mình ấp ủ một dự định, là làm sao để con mình, bạn con mình cũng sẽ biết Hùng Vương thật ra là tượng trưng cho tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt; Thánh Gióng khi vươn vai ra trận đã mang thân xác của người khổng lồ và cưỡi ngựa SẮT; Chử Đồng Tử không đơn thuần là anh chàng chài lưới may mắn lấy được công chúa Tiên Dung nhưng là Thần Cá và là đại diện cho nguyện vọng của nhóm thương thuyền lúc bấy giờ tại phố Hiến Hưng Yên; Liễu Mẫu Hạnh - biểu tượng cao nhất của Tứ Phủ, là tiếng nói của tầng lớp tiểu thương nhà Mạc, một bước phát triển xa hơn của một nền kinh tế mà trước đó hoàn toàn bị chi phối của sản xuất nông nghiệp; còn Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) trong tín ngưỡng dân gian chính là thần trị thuỷ. Mình thật sự muốn góp nhặt, tổng hợp, và lan toả những kiến thức thú vị này đến lớp trẻ: bao gồm thế hệ con cháu mình, học trò mình, các bà mẹ trẻ có cùng mối quan tâm như mình.
  1. Đối tượng của blog này là ai?
Trong quá trình trò chuyện với con và giải thích những thắc mắc của con về thế giới xung quanh, đặc biệt là nguồn gốc tập tục truyền thống, mình thường phải tra cứu rất lâu nhưng kết cục vẫn không dám chắc về những kết quả tìm được. Qua blog này, mình muốn đặt những viên đá đầu tiên trong công cuộc xây dựng một cổng thông tin đáng tin cậy về lịch sử văn hoá và du lịch văn hoá để các bà mẹ trẻ giống mình có thể tra cứu nhanh và mạnh dạn giải thích cho con. Mình đang nỗ lực hết sức để chuyển đi thông điệp: thật ra, lịch sử văn hoá không phải là những điều quá xa vời, chúng tồn tại rất nhiều trong thói quen sinh hoạt hằng ngày, trong tên đường, trong sự tích, trong các tập tục chưa từng được giải thích rõ ngọn ngành vào các dịp lễ Tết.

Chúng ta hay dõng dạc tuyên bố “cúng gia tiên dịp lễ này phải có các món ABC” nhưng lại rất lờ mờ về nguồn gốc sự kiện, nguyên nhân đằng sau những ứng xử mà tổ tiên ta chọn trước các sự kiện ấy (dẫn đến việc chúng ta chỉ ngậm ngùi tặc lưỡi “bà ngoại dạy mẹ vậy”, “thấy ai cũng làm vậy”). Am hiểu gốc rễ các tập tục, thói quen cũ, sự tích đằng sau các địa danh quen thuộc, chúng ta sẽ có sự tự tin cần thiết trước con. Ngoài ra, hiểu đúng bản chất các hiện tượng văn hoá giúp chúng ta đón nhận chúng một cách bao dung và cởi mở hơn; thêm tự hào hơn về tập tục gia đình mình đang lưu giữ, về mảnh đất mình đang sống; đồng thời có thái độ đúng đắn khi giới thiệu văn hoá lịch sử của nước mình trước du khách năm châu.
  1. Chủ đề blog này hướng đến?
  1. Nguồn gốc các tập tục văn hoá, tín ngưỡng:
Thông qua việc tổng hợp và tường thuật lại lịch sử hình ảnh, phương cách ứng xử của thế hệ ông cha với các hiện tượng văn hoá nhất định, blog hy vọng sẽ trở thành cổng thông tin về các tập tục đi sâu trong nếp sống người Việt, giúp các bà mẹ trẻ thêm tư liệu để trang bị cho chuyến đi của mình và gia đình.

Theo thống kế của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, năm 2026, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già. Như vậy, khi con chúng ta vẫn chưa kịp lớn, thế giới đón con bằng 1 thế hệ già nua lạc hậu và 1 lớp robot "chăm chăm dành việc làm từ tay con", đặc biệt là khi công tác chuyển đổi số và tích hợp AI vào sản xuất, sáng tạo đang diễn ra với tốc độ chóng mặt trong lòng mọi ngành nghề. Ngày 15/9/2021, ông Hồ Văn Mừng - Uỷ viên dự khuyến Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Nha Trang chủ trì hội nghị trực tuyến giới thiệu giải pháp đô thị thông minh và giao thông thông minh tại TP. Nha Trang cùng với tập đoàn FPT. Tương lai rất gần thôi, thế giới sẽ tồn tại song song tốc độ phát triển vượt bậc của công nghệ và sự ù lì chậm chạp thiếu bùng nổ của đám người già chúng ta. Lúc đó, thế hệ tương lai phải vừa phải học cách làm chủ công nghệ, điều khiển được robot; vừa phải nghĩ cách sống hoà hợp với một bộ phận đã thiếu đi tính năng động.


Thiết nghĩ, bằng cách trang bị cho con mảng kiến thức về cội nguồn dân tộc, về giá trị văn hoá cổ truyền, chúng ta có thể xây dựng tâm thế chủ động cho con trước khi thả con vào các vòng xoáy đó. Khi nắm giữ tri thức bản địa, bản sắc văn hoá dân tộc và tìm cách ứng dụng chúng một cách thông minh giữa hơi thở đương đại, con chúng ta sẽ tự định hình nên một bản lĩnh rất riêng để dung hoà những ảnh hưởng sâu rộng của các tác nhân công nghệ lên hệ giá trị truyền thống. Sống giữa thời đại toàn cầu hoá, con vẫn giữ được thế cân bằng, vẫn hướng về cội nguồn dân tộc để hiểu rõ và trau dồi rèn luyện bản thân, từ đó chủ động lựa chọn các mối giao hảo và hợp tác quốc tế, mạnh dạn tiến về tương lai trong tâm thế ngẩng cao đầu, của một người giỏi thích ứng.

Trước khi dạo blog, mình xin giới thiệu một cách phương pháp khoa học giúp bạn đọc tiếp cận dễ dàng hơn với nét đẹp của các nền văn hoá mới. Phương pháp này mình học được từ thầy Sakaya trong cuốn sách “Tiếp cận một số vấn đề về văn hoá Champa”: Thuyết tương đối luận văn hoá (cultural relativism). Thuyết tương đối luận văn hoá chỉ ra rằng, trước khi tiếp cận nền văn hoá nào, ta phải học cách tôn trọng nền văn hoá ấy, và TUYỆT ĐỐI không lấy nền văn hoá của mình (của người ngoài cuộc) để xét đoán và đánh giá nền văn hoá khác. Đây là học thuyết rất tiến bộ, không phải trong nghiên cứu khoa học mà trong cách lựa chọn, tiếp cận thông tin khi đọc sách. Cụ thể hơn, khi tìm hiểu văn hoá Champa, nếu bạn đọc đặt mình trên nền văn hoá ấy, cho rằng mình tân tiến hơn, mình tốt hơn nên mình thích nghi và tồn tại, họ thế nào đó thì nền văn hoá mới bị lụi tàn. Tương tự, nếu nhìn lại quá khứ với thái độ xét đoán, kiểu như “giờ là thế kỷ nào rồi mà còn thờ ông thành hoàng xuất thân từ nghề ăn cướp”, “thời đại nào rồi mà còn thờ thánh, cầu thần, làm lễ cầu mưa”, “đây là văn hoá gì, hũ tục thì có”, bạn rất KHÓ có thể tìm thấy nét đẹp của các tập tục văn hoá này.
  1. Nuôi dưỡng động lực hoàn thiện bản thân
Nhiều người nói với mình, người bỏ phố về quê thật sự chỉ đang chuyển địa điểm “nghèo” của bản thân nếu họ không nỗ lực gấp đôi những người thường. Họ cần nỗ lực để bù đắp lại những tiện nghĩ sẵn có ở đô thị. Đồng thời nỗ lực để tự xây hệ sinh thái để những giá trị họ ươm mầm có đất sống. Đây là phát ngôn rất đáng suy ngẫm.

Nhìn dòng người rời bỏ Sài thành sau đại dịch, mình nhìn thấy hình ảnh bản thân trong đó. Có chăng là thời điểm của mình là 3 năm về trước và tâm thế rời đi của mình có phần chủ động hơn. "Trở về xây dựng quê hương" là cụm từ hoa mỹ. Nghĩa thật sự của nó là lựa chọn môi trường sống tốt hơn với nhiều mảng xanh thiên nhiên và khí trời nhưng ít cơ hội việc làm phù hợp với năng lực, kinh nghiệm, nguyện vọng và điều kiện bản thân hơn. Điều này đồng nghĩa với việc người về quê lập nghiệp sẽ không phát huy được kinh nghiệm và kỹ năng đã tích luỹ được tại Sài Gòn và buộc phải trang bị kỹ năng mới phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động địa phương.

Trong môi trường mới, dù có chuẩn bị kỹ lưỡng cỡ nào, sẽ có những lúc người về quê lập nghiệp phải thắt lưng buộc bụng, tiêu đồng tiền nhỏ và hà khắc với các khoản chi tiêu thiết yếu của bản thân, nhất là những người phụ nữ đã chấp nhận đặt sự nghiệp lùi lại phía sau để đồng hành cùng con. Sẽ có những khoảnh khắc bạn cảm thấy thật sự lạc lõng, cô đơn, muốn buông xuôi, nhất là khi tất cả các cánh cửa dường như đang khép lại trước mắt bạn. Những lúc ấy, điều duy nhất bạn cần làm là tin rằng bạn không hề cô độc, có những người giống bạn, và cũng đang nỗ lực từng bước chậm chạp như bạn. Hãy hít thở sâu thư giãn và tiếp tục cố gắng. Bằng cách bình tâm lại, vững vàng mài dũa thêm 1 kỹ năng, phấn đấu trang bị thêm các kiến thức/bằng cấp mới đến cùng để chinh phục mục tiêu.

Là một mẹ bỉm sữa đang nỗ lực quay lại thị trường lao động, mình mong muốn truyền thêm một nguồn động lực tích cực cho những hoàn cảnh giống mình. Ở thời bắt đầu blog này, mình đang là một kẻ thất bại trong mắt hầu hết mọi người xung quanh. Mình vẫn đang chật vật với những đồng tiền nhỏ. Nhưng câu chuyện về hành trình thoát khỏi guồng xoáy của đô thị hiện đại, nỗ lực liên lỉ để thích ứng với nhịp sống mới, dũng khí tự chịu trách nhiệm với quyết định bản thân và sự kiên trì theo đuổi những giá trị mình tin tưởng... đâu đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các bà mẹ cùng tần số với mình. Mình mong rằng những thông tin về tập tục, điểm đến, danh nhân... đằng sau hệ tượng thờ, đình đền, chùa chiền... cùng những hình ảnh minh hoạ chi tiết (trong khả năng của mình) sẽ giúp bạn đọc có được khoảng thời gian thư giãn trong giai đoạn còn chật vật với mức thu nhập chạm đáy, hoặc vì lý do khách quan nào đó, chưa thể đầu tư vào những chuyến du lịch cho bản thân và gia đình.​ Hy vọng trang chia sẻ này giống như điểm tựa bạn có thể neo vào, lưu giữ niềm tin, (dù chỉ một lát), tiếp tục cố gắng.

 
  1. Nghiên cứu lịch sử, văn hoá và làm du lịch văn hoá
Một người mẹ có chuyên ngành marketing muốn lưu giữ góp nhặt mảnh ghép lịch sử, văn hoá cho con là chân dung người đứng đằng sau blog này. Vì thế, thi thoảng sẽ có những bài về tâm lý trẻ con trong tiếp nhận nhân vật lịch sử văn hoá, vài chia sẻ về cách làm du lịch văn hoá, câu chuyện lịch sử... dưới con mắt của dân truyền thông marketing của một người con Khánh Hoà, với rất nhiều suy tư, trăn trở, và dang dở nữa. 
 
 

Mình ấp ủ giấc mơ đưa trở lại nét đẹp của Hò Bá Trạo, của tục thờ cá voi Ông, của tập tục thờ Mẫu tại Khánh Hoà, tiến đến hình thành những tour về du lịch văn hoá hướng đến đối tượng chính là những bà mẹ bỉm sữa. Các mẹ sẽ trở thành đối tượng tham gia tour, cũng có thể trở thành đại lý bán tour, xa hơn là thí điểm vài homestay về du lịch văn hoá tại Nha Trang. Chúng ta cứ nói hoài về đa dạng đối tượng du lịch và thị trường du lịch, chúng ta than thở khi nhìn thấy khách Trung Quốc ngập tràn, nhưng nếu không thử cách mới, chính con cháu chúng ta rồi sẽ lại thở dài với những câu hỏi này như chúng ta.

Trong thời gian tới, mình sẽ tiến hành nhiều nghiên cứu độc lập về phản ứng của giới trẻ trước các thông tin về lịch sử văn hoádu lịch văn hoá, khi những tài liệu này xuất hiện mới mẻ hơn, hệ thống hơn, hiện đại hơn trên các nền tảng đa phương tiện như fanpage, Tiktok. Thế nên, hãy theo dõi blog của mình thường xuyên để cập nhật thêm kết quả những dự án nhỏ ấy nhé!

Chúc bạn luôn kiên tâm trong hành trình về quê lập nghiệp. Nhất là luôn kiên nhẫn hơn với bản thân mỗi ngày. Để hoàn thiện bản thân, cải thiện thu nhập và đồng hành tốt hơn với bước đường trưởng thành của con.

 

* Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho Du lịch văn hoá để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

754 lượt xem

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật