Card image cap

HÒN CHỒNG NHA TRANG

Dù nổi tiếng với đường bờ biển dài nhất Việt Nam và nhiều bãi tắm đẹp, nhưng Khánh Hoà nằm ở đoạn cuối của gờ núi nam Trường Sơn, nên địa hình chiếm đại đa số ở Khánh Hoà là núi & bán sơn địa. Núi bao bọc ba phía tạo thành một vòng cung lớn, lồi về phía Tây và lõm về phía Đông [1]. Danh thắng Hòn Chồng Nha Trang là điểm đến giúp du khách cảm nhận rõ điều đó.
hon chong nha trang

Hòn Chồng Nha Trang - ký ức giữa những khối đá chung tình 

Khác với hình ảnh rặng dừa xanh soi bóng bên dải cát trắng với màu nước biển xanh thẳm xa xa, Hòn Chồng Nha Trang đem đến sự mới mẻ với những khối đá đặt giữa biển trời, vừa giúp du khách tách khỏi nét nhộn nhịp của phố thị, vừa mang đến trải nghiệm cảnh quan đa dạng: bãi đá, ngọn đồi, phố thị và bãi biển. Chính vì thế, Hòn Chồng là một trong những địa điểm lý tưởng nhất để thưởng thức vẻ đẹp của vịnh và phố biển Nha Trang.

Theo nhiều ghi chép của địa phương, Hòn Chồng Nha Trang là dấu tích của nước biển xâm thực chân núi. Sự xâm thực ngày càng sâu, một phần chân đồi La San bị tách rời, hình thành một cụm đá chồng chất lên nhau nên gọi là Hòn Chồng. Những khối đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau tạo thành nhiều tầng lớp này, trải từ chân đồi La San ra biển Đông, nằm bên những bãi tắm tự nhiên đẹp và kín gió, làm nên một cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng cho vịnh Nha Trang.


Đặc biệt, giữa những tảng đá có hình dáng khác nhau nối dài này, có một hòn đá khác bắc ngang, tạo ra hình thù một chiếc cổng chào trường tồn theo năm tháng. Như thể hòn đá bắc ngang này đang giữ thăng bằng cho 2 tảng đá lớn 2 bên, tạo nên thế đứng kiềng 3 chân vững chãi cho khối đá nổi trên bãi biển này. Hơn nữa, trên khối đá lớn này là vết lõm hình bàn tay rất lớn, hằn sâu trên tảng đá cao nhất, nằm vuông vức hướng ra biển khơi.

Cách Hòn Chồng không xa có một mỏm đá khác nhỏ hơn nằm ở dưới chân đồi phía Đông, đây chính là Hòn Vợ. Phía trên, thành phố đã trang bị những chiếc ghế nghỉ, rào chắn cách điệu để du khách tiện bề lưu giữ kỷ niệm.
hon chong nha trang hon vo

Thưởng ngoại cảnh đẹp toàn vịnh và tắm biển nơi bãi đá nhấp nhô 

Hòn Chồng Nha Trang tọa lạc ở phía Đông Bắc thành phố Nha Trang, thuộc phường Vĩnh Phước. Từ trung tâm đường Trần Phú, bạn chỉ cần chạy xe 4km, dọc theo đường Phạm Văn Đồng là đến. Từ vị trí bên Hòn Chồng sẽ nhìn rất rõ Hòn Đỏ (nơi đặt ngôi chùa) ở phía xa. Hòn Đỏ cách Hòn Chồng khoảng 300m về phía Đông Nam. Trên núi có chùa Từ Tôn. Đứng trên Hòn chồng phóng tầm mắt hướng ra xa sẽ thoáng thấy cảng Vĩnh Trường, Hòn Tre - nơi có Vinpearlland nổi tiếng và vịnh biển Nha Trang thơ mộng. Khuất sau đồi Lasan, lùi ra biển là bến cá gần Tháp Bà. Phía bên kia sẽ là ngọn núi Cô Tiên, nhìn kĩ y hệt cô tiên đang nằm. Nếu nhìn về thành phố, Hòn Chồng Nha Trang còn là một trong những điểm ngắm biển đẹp nhất, nhờ những đường cong uyển chuyển của bãi biển dọc đường Trần Phú; Thấp thoáng là tháp Trầm Hương tại Quảng Trường 2/4, một biểu tượng của thành phố biển, cũng là nơi đáng chiêm ngưỡng về đêm, nhờ nghệ thuật ánh sáng, hắt lên những đàn én chao lượn lên ngọn tháp.

Được bao bọc bởi nhiều hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi xa, bãi tắm tại Hòn Chồng hầu như không bị ảnh hưởng bởi bão. Núi, biển và bờ ở Hòn Chồng Nha Trang nằm sát bên nhau, do đó, bạn có thể men theo con đường đá để ngồi lên tảng đá chụp ảnh, hoặc tắm biển mà không sợ bị ướt. Điều khiến Hòn Chồng trở nên khác biệt là giữa quần thể những khối đá lớn nhỏ nhiều lớp nhiều tầng này lại chẳng hề có một vật kết dính. Vậy mà, đá vẫn cứ chồng xếp lên nhau, bình thản giao thoa cùng núi đồi, biển cả và thành phố. Biển ở đây trong, xanh, ít sóng, mực nước biển khá thấp.

Cùng với Hòn Đỏ và Hội quán vịnh Nha Trang, danh thắng Hòn Chồng được xếp hạng là di tích quốc gia vào năm 1998, và trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua khi ghé qua Nha Trang.

Hòn Chồng Nha Trang - nơi cuối cùng tại Vịnh Nha Trang giữ được độ phủ san hộ tạo rạn 

Tháng 7-2022, theo biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu với tỉnh Khánh Hòa, trung tâm nghiên cứu Việt - Nga đã khảo sát và lập bản đồ hiện trạng phân bố san hô khu vực Hòn Chồng. Theo báo cáo, trong toàn vịnh Nha Trang, hiện chỉ còn Hòn Chồng là khu vực giữ được nhiều san hô, đặc biệt 2 giống san hô cứng quan trọng là Acropora (san hô cành) và Montipora (san hô đĩa) có vai trò tạo rạn san hô cho vịnh. San hô cành hiện thậm chí hầu như không còn ở các nơi chúng từng phân bố rất phổ biến trong vịnh như Hòn Mun, Bích Đầm, Hòn Rùa. Cũng theo báo cáo lúc đó, Hòn Chồng có khoảng 10 loài san hô cứng tạo rạn quan trọng và bước đầu ghi nhận hơn 20 loài cá rạn về cư trú. Đáng chú ý, trong ba vùng của Hòn Chồng, Bắc Hòn Chồng với diện tích san hô 2,33ha, có độ phủ san hô lên tới 70%, là nơi có đa dạng cao về các loài san hô cứng có vai trò tạo rạn. Có thể nói, Hòn Chồng là nơi cuối cùng tại Vịnh Nha Trang còn lại rạn san hô có độ phủ tốt, và là nơi bảo toàn nguồn gene, để gầy dựng lại hệ sinh thái san hô trong toàn vịnh. [2]

Hội quán vịnh Nha Trang - trầm mình các chuyên đề nghệ thuật 

Hội quán vịnh Nha Trang tại Hòn Chồng được xây dựng vào năm 2005, nhằm chào mừng sự kiện Nha Trang đăng cai Hội nghị chuyên đề của CLB các vịnh biển đẹp nhất thế giới. Hội quán được xây dựng, lắp ghép từ 15 ngôi nhà rường Huế trên 100 tuổi. Hội quán dựa lưng vào biển, từ mặt đường bạn sẽ nhìn thấy cổng Tam quan, sân với hòn non bộ, nhà trung tâm và hai dãy nhà Tả vu, Hữu vu. 

Nhà rường Huế cổ khá thấp để hạn chế bị gió lùa tốc mái trong mùa mưa, tuy nhiên, Hòn Chồng là nơi khá kín gió, ở ngay chân đồi La san, vì vậy, khi lắp ghép nhà cổ, tỉnh đã giảm bớt cột đi, đồng thời nối thêm 0.6m trên mỗi cột, giúp không gian bên trong thoáng đãng. Bước qua cổng tam quan rất “Miền Trung" này, du khách sẽ nhìn thấy nghệ thuật chạm khắc đậm dấu ấn triều đại nhà Nguyễn thế kỷ XVIII điểm xuyết nơi kèo, chái nhà, cánh cửa. Hình ảnh các cuốn thư, hoa cúc, mặt nguyệt, quả bầu…giúp không gian trở nên mềm mại và hài hoà hơn. 

Gian nhà chính hiện là nơi trình diễn nhạc bản nhạc nổi tiếng thế giới bằng nhạc cụ truyền thống của dân tộc: đàn T’rưng, đàn K’lông pút, đàn đá Khánh Sơn, đàn bầu…

Tả vu có mô hình đặc tả Hòn Chồng, Hội quán Vịnh Nha Trang, và trạm thiên văn gần đó. Trong tả vu cũng có giới thiệu 2 đặc sản nổi tiếng nhất của Khánh Hoà là trầm hương và yến sào. Hữu vu trưng bày một số tác phẩm mỹ nghệ của các nghệ nhân của Nha Trang – Khánh Hòa. Lúc mình đến, đang có triển lãm của mỹ thuật gia Trần Hà. Đến Hội quán vịnh Nha Trang, du khách không chỉ thưởng lãm vẻ đẹp thiên nhiên mà còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật của con người xứ Trầm. Điều thú vị là sau những màn biểu diễn, du khách có thể chọn lấy cho mình chút thử thách “leo trèo” khi dạo quanh từ hội quán, vòng qua các ghế nghỉ và những lớp đá đa dạng kích cỡ xếp chồng lên nhau, để đối diện với biển.  
hoi quan hon chong

Giữa không gian hoài cổ đậm đặc giữa màu mun của rường, cột gỗ, du khách sẽ thấy lòng mình nhẹ bâng khi thanh âm từ nhạc cụ dân tộc vang lên vui tươi, rộn rã. Xa xa là tiếng sóng giữa gam màu xanh ngọc êm ả. Kề bên là những bức tranh giàu tính nghệ thuật mô tả ngành nghề truyền thống, nét đẹp lao động của người dân Khánh Hoà. Đan xen giữa câu chuyện huyền thoại về chàng khổng lồ từng để lại vết lõm bàn tay giữa vách đá Hòn Chồng, còn là những hình dáng của con người Nha Trang hiện đại đang cùng nhau tấu lên khác ca du dương bằng âm thanh, ánh sáng, và sắc màu.
hoi quan hon chong

* Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho Du lịch văn hoá để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

226 lượt xem

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật