Card image cap

NHÀ THỜ NÚI NHA TRANG - ĐIỂM GIAO HOÀ GIỮA KIẾN TRÚC GOTHIC & BẢN ĐỊA

Cứ mỗi độ Giáng Sinh, tôi lại nhận được vài lời mời đưa các cháu mầm non đi dạo một vòng Nhà thờ Núi Nha Trang. Đây là ngôi nhà thờ được xây dựng vào năm 1928, và mất 5 năm để hoàn thiện các cơ sở hạ tầng chính: nhà thờ, nhà xứ, con đường lót đá đi lên nhà thờ, 53 bậc thang, hệ thống điện nước [1]. Nhà thờ có nhiều tên gọi: Nhà thờ Núi, Nhà thờ Đá, Nhà thờ Chánh toà Nha Trang. Đây là ngôi thánh đường độc đáo, mang ngôn ngữ bản địa khi mô phỏng và sử dụng kiến trúc Gothic, rất đáng để bạn đọc và du khách bỏ thì giờ chiêm ngưỡng.
Dẫn các em trường mầm non BeKind Nha Trang đi tham quan nhà thờ Chánh toà Nha Trang

1. Vì sao gọi là Nhà thờ Núi Nha Trang? Vì sao gọi là Nhà thờ Đá Nha Trang?
Nhà thờ Chánh toà Nha Trang được người dân gọi là nhà thờ Núi vì nhà thờ được xây trên Núi Một. Vì thế, nhà thờ Núi là một danh thắng gắn liền với huyền thoại Tứ thú tụ của Nha Trang. Xem thông tin chi tiết về huyền thoại này tại đây. Theo nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền, “Khi người Pháp đến họ cho xẻ đôi ngọn núi Một, một phần làm thành đường và khu dân cư bây giờ, phần phía Tây của ngọn núi được san bằng bởi 500 trái mìn thành một khu vực có diện tích hơn 400m2, dựng lên nhà thờ và nhà xứ hơn 1.000m2. [2]

Nhà thờ Chánh toà Nha Trang còn được gọi với cái tên phổ biến khác là nhà thờ Đá Nha Trang. Bởi toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá: từ con đường đi lên cho đến tháp chuông, diện tích lát đá tại nhà thờ rộng đến 700m2 với hơn 20.000 viên đá lót đường và 600 viên đá viền. [3] Vẫn mang nét “vút cao Gothic" nhưng không phải kiểu nhọn cao thường thấy, mà khu biệt ở những khối đá lập thể vươn cao. Cao nhất chính là cây thánh giá trên nền trụ hình vuông, bên dưới là chiếc đồng hồ với 4 mặt quay khắp 4 hướng, và tháp chuông. Có thể nói, đá và những khối đá lập thể chính là điểm nhấn lớn nhất trong kiến trúc nhà thờ.

2. Đến gần hơn Kiến trúc Gothic của nhà thờ Chánh toà Nha Trang:
 
Vài nhà thờ Gothic vút cao đặc trưng
Nhà thờ kiến trúc Gothic vút cao với tháp chuông hai bên có thể kể đến là nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nhà thờ Huyện Sĩ Sài Gòn. Tháng 6/2016 khi sang Pháp, tôi cũng có dịp chiêm ngưỡng nhiều thánh đường có cùng phong cách Gothic vút cao như thế. Riêng Nhà thờ Chánh toà Nha Trang lại mang nét khu biệt với những khối lập thể vươn cao. Ở điểm này, nhà thờ Đức Bà Paris tôi viếng thăm năm 2016 cũng sở hữu những khối lập thể vươn cao, nhưng cấu trúc là hai toà lập thể vươn cao ở hai bên và không nhọn vút lên ở hai tháp chuông.
Nhà thờ Chánh toà Nha Trang mang phong cách Gothic với những khối lập thể vươn cao 

Kiến trúc Gothic còn kết tinh nơi cửa sổ hoa hồng và hệ kính màu sử dụng trong Nhà thờ. Dưới gác chuông là 3 ô cửa sổ hoa hồng ở trên và các hình trụ đứng ở bên dưới. Các hình trụ và cửa sổ hoa hồng được bọc trong những mái vòm rộng. Một bài nghiên cứu về trường phái kiến trúc Gothic chia sẻ rằng cửa sở hoa hồng có nhiều màu sắc sặc sỡ nhưng được lồng ghép bên nhau tạo thành những khối hình đồng tâm [4]

Thoạt nhìn bên ngoài, cửa sổ hoa hồng tại nhà thờ Chánh toà Nha Trang có vẻ khô cứng cũ kỹ, nhưng khi vào bên trong nhà thờ, bạn sẽ trông thấy một bông hoa 20 cánh đồng tâm sinh động và đẹp mắt, làm nổi bật tượng Kitô vua - tước hiệu quan thầy và bổn mạng của Nhà thờ.
Cửa sổ hoa hồng tại Nhà thờ Chánh toà Nha Trang nhìn từ mặt ngoài và mặt trong 

Cửa sổ hoa hồng, vì thế, ngoài yếu tố tạo hình, thu ánh sáng tạo nên những hình thù đẹp mắt khi ngắm nhìn từ bên trong, mà còn là lời nhắc nhở cộng đồng tín đồ" khi đến nhà thờ hiệp dâng thánh lễ, sống trong cùng một đức tin, một phép rửa, họ sẽ luôn hiệp nhất với nhau và nên một với Thiên Chúa là cha toàn năng. Đây là điểm nhấn thứ hai trong kiến trúc Gothic mà nhà thờ sử dụng, sau những khối đá lập thể vươn cao. 
Từ mặt bên trong nhà thờ, hệ thống kính màu (khi là dải hình thoi, khi thì hình tròn) đặt bên dưới những bông hoa nhỏ ánh lên những mảng màu sắc sặc sỡ, hoặc là vàng giữa viền đỏ, lúc lại là vàng giữa nền xanh... rất đẹp mắt và thoáng đãng. Tường, cột, mái vòm nhà thờ đều được ghép lại bằng những viên đá cắt gọt công phu. Hệ mái vòm của nhà thờ Chánh toà Nha Trang là vòm sống bốn mũi có hình chiếu mặt bằng hình chữ nhật.
Cửa sổ hoa hồng đẹp mắt tại nhà thờ Chánh toà Nha Trang. Ảnh: Lê Minh Hiếu 

Hệ mái vòm của nhà thờ Chánh toà Nha Trang là vòm sống bốn mũi có hình chiếu mặt bằng hình chữ nhật.Theo cha quản xứ Giáo xứ Chánh Toà Nha Trang, Năm 1933, nhà thờ được cung hiến và khánh thành trong lễ thánh Jeanne d'Arc (ngày 14 tháng 5). Trong thánh lễ này, cha Louis Vallet (người có công xây dựng nhà thờ và thành lập giáo xứ) chọn Chúa Ki tô Vua làm tước hiệu quan thầy nhà thờ [5]. Hơn một năm sau, giáo xứ làm phép quả chuông nhà thờ và đặt hiệu là Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Đó là lý do khi nhìn lên hệ kính màu trên cung thánh Nhà thờ, bạn sẽ thấy 5 tấm kính khắc hình và ghi tên thánh Jeanne d'Arc (ngoài cùng bên trái) và thánh Tê rê xa Hài Đồng Giêsu (ngoài cùng bên phải). Ở giữa là mẹ Maria, chúa Giêsu và thánh cả Giuse. (Mẹ Maria và thánh Giuse là cha mẹ của chúa Giêsu tại trần gian khi ngài xuống thế làm người).
Hệ mái vòm tại nhà thờ Chánh toà Nha Trang là hệ 4 múi hình chiếu chữ nhật. Hình khắc trên kính màu từ trái qua phải là: thánh Jeanne d'Arc, mẹ Maria, chúa Giêsu và thánh cả Giuse, và thánh Tê rê xa Hài Đồng Giêsu. Ảnh: Lê Minh Hiếu

3. Phong vị bản địa trong kiến trúc Gothic tại Nhà thờ Chính toà Nha Trang:

Nhà thờ tuân thủ cấu trúc 3 phần của kiến trúc Gothic: dưới cùng là cửa, trên là hành lang phía trên hoặc hành lang góc (triforium) với hệ thống kính màu và cửa sổ hoa hồng, cuối cùng là tháp chuông. 


Về bố cục mặt cắt dọc nhà thờ Gothic thường là những toà có kết cấu 3 khối, riêng nhà thờ Chánh toà Nha Trang, linh mục Vallet đã xây dựng thêm 2 hành làng tránh nắng cách điệu bằng 8 chiếc mái vòm mỗi bên.

Hai hành lang chống nóng cách điệu 8 chiếc mái vòm mỗi bên là bước "bản địa hoá" trong kiến trúc nhà thờ Chánh toà Nha Trang

Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Dũng, đây là bước "kết hợp với kiến trúc Việt Nam tạo ra khoảng đệm nhằm giảm cái nóng nắng nhiệt đới vào thẳng thánh đường. Hành lang nhà thờ với hàng cột đá tuyệt đẹp, nhuốm màu thời gian là một đặc trưng riêng so với các nhà thờ ở châu Âu cùng thời." [6] Biết được điều này, bạn sẽ thấy thêm yêu ngôi thánh đường trang nghiêm gần trăm tuổi trên đỉnh núi Một, trung tâm thành phố Nha Trang. Bên trong màu tro đặc trưng của đá là dòng hoài niệm đồng điệu của dòng chảy kiến trúc Đông - Tây. 

Toàn cảnh nhà thờ Chánh Toà Nha Trang. Ảnh: lê Minh Hiếu 

Dạo quanh trên con đường lát đá bọc quanh nhà thờ, bạn sẽ nhìn thấy những bước tượng mô phỏng 14 chặng đàng Thánh giá của chúa Giêsu, 12 thánh tông đồ của Ngài, và nhiều vị thánh quan trọng khác. Trong đó có thánh Anrê Kim Thông, cũng là tượng thánh người Việt duy nhất tại Nhà thờ Chánh toà Nha Trang. Ông là một ông biện giúp xứ, đã tử vị đạo và đã phong thánh trong đợt tấn phong 117 vị thánh Tử đạo Việt Nam.

Tượng thánh Anrê Kim Thông trong khuôn viên lát đá của nhà thờ Núi Nha Trang - người thánh người Việt duy nhất tại đây.

4. Lối vào và những điểm đáng chú ý khác:
Có hai lối đi lên nhà thờ: một lối đi lên từ cổng chính, ngay sau khi viếng mộ vị linh mục xây dựng nhà thờ.

Trẻ nhỏ tung tăng trên con đường lát đá quanh nhà thờ. Ảnh: Tài Trần 

Lối thứ 2 nằm phía bên hông Khu Đài Đức Mẹ - nằm ở khu vực phía dưới nhà thờ.

Một lối đi khác lên nhà thờ nằm bên phải Đài Đức Mẹ. Ảnh: Lê Minh Hiếu

Để đi lên từ lối này, bạn phải đi qua 53 bậc thang. Lối đi này không được mở thường xuyên như khu vực cổng. Đài đức Mẹ được xây dựng sau này do nhu cầu cơi nới của giáo dân, được khánh thành tháng 9 năm 2011.


Lối đi thứ hai từ khu Đài Đức Mẹ. Hai tổng lãnh thiên thần gác cổng là Gabriel và Raphael. 


Tại lối vào thứ 2 có mộ Đức Giám Mục đầu tiên của Giáo phận Nha Trang - Đức Cha Piquet Lợi. Sau khi lên thánh đường từ lối đi này, bạn cũng dễ dàng nhìn thấy nơi an nghỉ của vị Giám Mục thứ III của Giáo phận Nha Trang - Đức Cha Phalo Nguyễn Văn Hoà. Vị Giám mục thứ II là Đức Cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận - ngài được an táng ở Roma. 
Nơi an nghỉ của Đức Cha Phaolo Nguyễn Văn Hoà. 

Năm 1987, vách đá dọc theo con đường chính lên nhà thờ được làm thành nơi đặt tro cốt người đã qua đời. Đi khoảng một phần ba lối đi này, bạn sẽ đến được nơi chôn cất Đức cha Phêro Nguyễn Văn Nho - phụ tá của Đức Cha Phaolo Nguyễn Văn Hoà. 
Nơi an nghỉ của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho. 
Mộ của linh mục Louis Vallet được đặt dưới chân nhà thờ, trước khi bước vào cổng chào, du khách có thể ghé thăm Ngài.

JHS trước cửa chính Nhà thờ là Jesus Hominum Salvator nghĩa là Giêsu Đấng Cứu chuộc Nhân loại.
Một đoàn tham quan trẻ em tại Nhà thờ Chánh toà Nha Trang. Ảnh: Tài Trần

Mong rằng các bạn vừa có một chuyến tham quan nhà thờ Chánh toà Nha Trang thú vị!

Để hoàn thiện bài viết này tôi mất 4 tháng để tìm kiếm tư liệu, thực hiện nhiều chuyến viếng thăm và trao đổi với các linh mục liên quan, các bạn có thể tham khảo để học tập, nghiên cứu và làm việc (trích nguồn rõ ràng). Nhưng không được sử dụng vào mục đích thương mại, cũng như không đăng tải lại tại website để phục vụ cho công tác SEO cho các công ty du lịch, F&B, các sản phẩm dịch vụ liên quan đến Nha Trang. Trân trọng! 
 

Chú thích:

[1]. Đào Thị Thanh Tuyền, Nha Trang điểm hẹn, NXB Văn hoá - Văn nghệ TP.HC phát hành, 2013, tr. 37

[2] Đào Thị Thanh Tuyền, Nha Trang điểm hẹn, NXB Văn hoá - Văn nghệ TP.HC phát hành, 2013, tr. 36-37

[3] Đào Thị Thanh Tuyền, Nha Trang điểm hẹn, NXB Văn hoá - Văn nghệ TP.HC phát hành, 2013, tr. 37

[4] Xem chi tiết tại đây: http://spnttw.edu.vn/articledetail.aspx?articleid=5239&sitepageid=656

[5] Hiện tại, mô của vị linh mục này được chôn phía trước nhà thờ, ngay trước khi bước vào cổng.

[6] Nguyễn Ngọc Dũng, Lang thang bố thị 6 - Hồn biển Khánh Hoà (tranh & ký hoạ), NXB Thông tấn, 2022, tr.20

* Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho Du lịch văn hoá để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

231 lượt xem

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật