Card image cap

ĐỪNG ĐỂ LỰA CHỌN QUAY TRỞ LẠI VĂN PHÒNG SỚM SAU KỲ NGHỈ THAI SẢN GIẰNG XÉ NỘI TÂM BẠN

Vào Ngày của Mẹ năm 2025, một người bạn nhờ tôi đề xuất vài đầu sách giúp bắt đầu tạo lập, duy trì và nuôi dưỡng thói quen đọc sách. Mặc dù giờ đây đọc sách đã trở thành một thói quen tự nhiên không cần cố gắng trong lịch trình của tôi nhưng hành trình đọc sách thuở ban đầu của tôi cũng “bữa đực bữa cái”, đầu voi đuôi chuột. Mãi cho đến khi tôi tìm được vài đầu sách nói đúng được khoăn của mình; tập thực hành theo vài lời khuyên và dần nhận thấy chất lượng cuộc sống được cải thiện. Khi thực hành các lời khuyên, tôi cũng cực kỳ “nhát gừng” chứ không phải bắt đầu là quyết tâm và kiên trì được ngay. Những thay đổi tích cực lặng lẽ xuất hiện, biến chuyển từ từ, và tính theo năm. Trước khi bắt đầu đọc sách, bạn đọc cần biết rằng không phải cứ tuần trước cầm sách đọc thì tuần sau sẽ thu xếp được nỗi lòng và cuộc sống. Series WORKING MOM đọc gì khi bắt đầu rèn thói quen đọc sách này tôi gửi đến những người mẹ đa mang, nặng gánh ngoài kia. Các chị hoặc đang tìm đến sách như chiếc phao cứu sinh duy nhất, hoặc đơn giản muốn “thay đổi vì con”, nhận thấy mình cần bắt đầu tạo lập môi trường đọc sách để duy trình thói quen đọc sách cho bé. Hai cuốn đầu tiên trong series là Dấn thân (Sheryl Sandberg) và Phụ nữ nghĩ giàu và làm giàu (Sharon Lechter). 

Working mom trải lòng khi quay lại công sở

Không phải lời khuyên hãy ngồi vào bàn (đảm nhận vị trí lãnh đạo, đón nhận cơ hội mới), cũng không phải những thống kê về tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo mà những lời tự sự khi quay lại công việc ở Google sau thời gian thai sản và nỗ lực về nhà ăn cơm đúng giờ với gia đình hằng ngày của Sheryl Sandberg khi từ Google chuyển sang Facebook trong Dấn thân khiến tôi xúc động.

Dan than Sheryl Sandberg

Giằng xé nội tâm: Ở nhà thêm với con hay quay lại văn phòng 

“Tôi bắt đầu email từ trong phòng bệnh viện ngay sau khi sinh. Trong 3 tháng tiếp theo, tôi chẳng rút lui được mấy. Tôi phải liên tục kiểm tra email. Tôi tổ chức họp ngay trong phòng khách, trong lúc tôi phải cho con bú và chắc cũng làm nhiều người hoảng hồn."... Thư ký sắp xếp lịch họp buổi sáng vào nhiều giờ khác nhau để không ai phát hiện giờ làm việc của chị bắt đầu lúc 9h30 và kết thúc vào 5h30. "Khi tôi phải ra về từ văn phòng, tôi thường dừng lại trong hành lang, quan sát bãi đậu xe để chắc chắn không có đồng nghiệp nào nhìn thấy, trước khi tôi chạy bổ ra xe”. [1]

Sau này khi rời Google qua Facebook (lúc Facebook chỉ mới có 550 nhân viên), chị nhận thấy họp lúc nửa đêm, thậm chí thâu đêm trở thành “một phần trong văn hóa công ty”. Điều này ngăn chị duy trì lịch trình “cân bằng” giữa công việc và cuộc sống gia đình mà chị cố gắng thiết lập trước đó tại Google. 

“Tôi phải có mặt lúc mọi người có mặt và tôi lo ngại nếu tôi ra về quá sớm, tôi sẽ nổi bật như một bà già đáng ghét. Tôi bắt đầu tự buộc mình phải rời văn phòng lúc 5h30. Mọi bộ cơ cạnh tranh, cơ hạng A trong tôi đều lên tiếng buộc tôi ở lại thêm giờ, nhưng trừ khi có cuộc họp quan trọng, tôi sẽ bước chân ra khỏi cửa lúc 5h30. Và khi đã làm được một lần, tôi biết mình làm được lần nữa. Tôi càng kiên quyết rời văn phòng để ăn tối với các con khi tôi không phải đi công tác.” [2] 
 

Dan than Sheryl Sandberg2

 

Dan than Sheryl Sandberg3

 

Ôi chao, phải nói là những đoạn văn trên khiến tôi vỡ oà. Thì ra người phụ nữ từng giữ vai trò quyền lực thứ 2 tại Facebook, xếp vị trí thứ 5 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes tháng 8/2011 cũng sợ ánh mắt đồng nghiệp xét nét khi về đúng giờ như tôi vậy. (Trong danh sách của Forbes, chị chỉ đứng sau thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, và CEO của Pepsico Indra Nooyi; đứng trước Phu nhân Tổng Thống Mỹ Michelle Obama và nữ chính trị gia người Ấn độ Sonia Gandhi). 

Tôi như thấy nội tâm chị đấu tranh mạnh mẽ mỗi khi đồng hồ điểm 17h30. Tôi còn hình dung ra cảnh chị ấy rón rén đưa chân ra khỏi văn phòng, thở phào nhẹ nhõm khi lên được xe, để lại sau lưng bỏ cảm giác e dè khi bị đồng nghiệp bắt gặp chị về đúng giờ. Đã nhiều lần tôi tự hỏi từ bao giờ mà đi về đúng giờ lại trở thành tội đồ như thế này. Không phải điều lệ hay quy định của công ty mà đôi khi, sự tận tâm quá mức của đồng nghiệp và những định kiến hiện hữu tại công sở đã khiến những bà mẹ có con mọn rơi vào cảm giác tội lỗi.

Mẹ ơi! Đừng đi!

Sheryl Sandberg còn chia sẻ, mặc dù đã rời văn phòng đúng giờ để có thời gian bên con, nhưng chị “vẫn còn vật vã đánh đổi giữa công việc và gia đình mỗi ngày”. Đến một ngày, chị đối mặt với một tình huống dở khóc dở cười: khi con trai chị cần trợ giúp, cậu bé tiến về phía cô giữ trẻ thay vì tìm chị. Việc này nghĩa là, ở một chừng mực nào đấy, đứa trẻ gắn bó và gần gũi về tinh thần và thời gian với người giữ trẻ hơn chị. Điều này khiến trái tim chị vụn vỡ. May thay, chồng chị lúc ấy đã ghi điểm khi anh nói rằng “Ba mẹ là trung tâm trong cuộc đời cậu bé nhưng mối quan hệ gắn kết với người trẻ cũng giúp cho trẻ phát triển”. Và rằng “vợ chồng chị đã là người hùng” khi “cố gắng về nhà ăn tối thường xuyên như thế”. Một lần khác, khi “đưa con gái đi học mẫu giáo, nói với cô bé tôi sẽ phải quay qua vùng Bờ Đông và sẽ không về nhà tối hôm đó. Cô bé ôm chặt chân tôi và năn nỉ tôi đừng đi. Tôi không thể xóa được hình ảnh đó”. [3]  

Workingmom tro lai cong so

Những đoạn văn trên đến với tôi khi tôi đang sở hữu vòng hai quá khổ 110cm (mặc dù đã sinh em bé xong), chật vật giữa cơn khát sữa của con, lời hối thúc chỉnh sửa Thông cáo báo chí (TCBC) đã đến hạn nộp, và lời từ chối cho vay mua nhà từ HSBC (vì không thể chứng minh khả năng trả góp đều đặn hằng tháng; khi chọn ở nhà thêm với con, tôi làm freelancer nên lãnh lương theo dự án thay vì lãnh lương tháng). Tôi - lúc bấy giờ - đang bị bao vây bởi cảm giác mặc cảm, uất hận, bất lực … như bị đào thải khỏi xã hội hiện đại, chỉ vì dám quyết định không quay lại sở làm sau 6 tháng để có thêm thời gian chăm con. Tôi - khi ấy - thấy mình như ngụp lặn vì quanh mình phần đa vẫn cho rằng chuyện ông bà trông cháu để con đi làm là lẽ hiển nhiên. Tôi - vẫn thường xuyên nhận được sự dè bỉu, những lời khen ngược khi đi nhận brief mà mang con theo (dù rằng tôi đã để bé chơi gần đó, trong tầm mắt, để có thể trông chừng khi làm việc). Tôi - vẫn cảm thấy rùng mình trước ánh mắt kỳ thị mỗi lần cực chẳng đã phải mang con đang sốt lên văn phòng (để có thể vừa làm cho kịp việc vừa trông chừng bé). Thế giới của những con người chọn bỏ phố về quê như tôi dường như không thể tiêu hoá nổi lựa chọn tự nuôi con mọn của một cặp vợ chồng trẻ (mà không gửi ông bà). “Không có ai trông cháu hay sao mà phải mang theo, đi làm phải ra đi làm chứ”. Những dòng tự sự trên khiến tôi hiểu ra rằng: bất kỳ working mom nào cũng cần vượt qua những phút giây đấu tranh nội tâm như thế. 

Đến đây, bạn đọc phần nào đã hiểu nguồn sức mạnh cuốn sách ấy đã tiếp cho tôi vào thời điểm đó. Nói đúng hơn, là vừa tiếp sức vừa thêm niềm tin và dẫn chứng rằng, có nhiều người thuộc nền văn hoá khác, có sức ảnh hưởng hơn tôi rất nhiều cũng đang phải vượt qua những cơn giằng xé nội tâm mỗi ngày để chọn không buông xuôi công việc mà vẫn dung hòa thời gian bên con. Quan trọng hơn, tôi còn tìm thấy lời khuyên của Sheryl Sandberg dành cho đối tượng working mom như tôi. Đó là gì?

Mạnh mẽ tiếp tục làm working mom:
Chúng ta cần nhiều hình ảnh phụ nữ vừa là người lao động giỏi vừa là bà mẹ hạnh phúc - hay thậm chí là người lao động hạnh phúc và bà mẹ giỏi.” [4]  Vì vậy, chỉ có cách mạnh mẽ tiếp tục làm working mom. 

Review Dan than va Phu nu nghi giau lam giau

Chúng ta cần nhiều hình ảnh phụ nữ vừa là người lao động giỏi vừa là bà mẹ hạnh phúc
 

Tác giả trích dẫn nghiên cứu về cân bằng công việc - gia đình của Giáo sư Rosalind Chait Barnett tại Đại học brandeis và khẳng định rằng “phụ nữ tham gia nhiều vai trò thực tế ít bị cảm giác bất an và tinh thần ổn định hơn. Phụ nữ đi làm được hưởng tài chính ổn định, hôn nhân ổn định, sức khỏe tốt, và nhìn chung, hài lòng với cuộc sống hơn" [5]. Vậy nên, đừng từ bỏ dễ dàng. Hãy cố gắng hơn một chút để sắp xếp lại bản thân, cuộc sống cá nhân và công việc. Vừa chăm con vừa đi làm đem lại lợi ích lâu dài và bền vững cho người mẹ. Tôi chia sẻ thông điệp này từ Sheryl Sandberg với hy vọng các lời cổ động phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” cần giải quyết hoặc ít ra là nêu bật các vấn đề liên quan đến khía cạnh tâm lý, sức khỏe tinh thần của các bà mẹ đi làm để các mẹ ý thức được rằng có cả một cộng đồng lớn đã từng và sẽ trải qua những giây phút đấu tranh như vậy. Nếu có bạn đọc nào chuẩn bị bước vào hay đang “lạc trôi” trong tình huống trên, bạn hãy cố gắng tự an ủi mình và tìm cách bước tiếp nhé.

Working mom có đồng nghĩa với làm việc kém hiệu quả?

Có một thực tế rằng “Thói quen đánh giá nhân viên qua thời gian có mặt thay vì kết quả vẫn còn phổ biến. Do đó, nhiều nhân viên chỉ tập trung bấm giờ trong văn phòng thay vì đạt hiệu quả cao nhất” [6] “Nhân viên chọn tận dụng chính sách giờ giấc linh hoạt thường bị trừng phạt và bị đánh giá là không tận tâm với đồng nghiệp” [7]  “Ngay cả những nơi cho phép làm ít thời gian hơn, hay thời gian linh hoạt, người ta vẫn sợ nếu làm ít giờ hơn thì sự nghiệp của họ bị ảnh hưởng.” [8] Và chị rất hiểu “nỗi sợ bị người ta đánh giá là đang đặt gia đình lên trên sự nghiệp. Chúng ta làm nhiều hơn để bù đắp" [9] 

Thế nhưng làm việc trong giai đoạn vướng bận con mọn không đồng nghĩa với kém hiệu quả. Sheryl Sandberg khẳng định “Khác với những gì tôi lo ngại, danh tiếng hay năng suất tôi không mảy may sụt giảm." [10]. Chị nhận thấy hoàn thành công việc không nhất thiết phải dành trọn mười hai giờ trong văn phòng. “Tôi làm việc hiệu quả hơn - kiên quyết hơn trong việc tham dự hay tổ chức các cuộc họp cần thiết, quyết tâm tối đa từng đây phút tôi phải rời nhà đi làm. Làm được còn hơn chờ hoàn hảo”. [11] “Tôi giảm những cuộc họp không cần thiết cũng tiết kiệm thời gian cho họ. Trước mọi công việc, câu hỏi thường trực của chị là “Tôi có phải đi công tác chuyến này không? Bài diễn văn này có thật sự thiết yếu cho FB ko? Cuộc họp này có thật sự cần thiết không?” [12] Rằng “Chuyển đổi sang tập trung vào kết quả sẽ mang lợi cho cá nhân và giúp công ty hoạt động hiệu quả và cạnh tranh hơn”  [13] 

Một năm trở lại đây tôi làm việc tại Cam Ranh mặc dù vẫn sống tại Nha Trang (cách nhau hơn 60km). Mỗi ngày thời gian ngồi trên bus của tôi là 3h. Rất nhiều người khi biết điều này đều “khuyên bảo” tôi chuyển nhà vào hẳn Cam Ranh cho tiện, rằng thời gian là vàng bạc, tôi đang phí phạm thời gian mà không biết. Tôi chỉ cười. Công việc như mong đợi không hề dễ kiếm và càng không dễ kiếm ở khu vực gần nhà. Để có mặt chơi với con ở nhà vào 19h20, tôi bắt buộc phải có mặt tại bến xe bus vào lúc 17h30. Như vậy, chậm nhất 17h15 tôi cần hoàn tất công việc ngày, tắt máy, rửa ly, dọn dẹp khu vực làm việc. 17h phải xong việc phân giao trong ngày trở thành mục tiêu và động lực đủ mạnh, thậm chí hình thành một sức nén cao độ giúp tôi tập trung từ 8h -10h và “bật mạnh” ở chặng đường từ 15h-16h30 (có hôm là 15h30 đến đúng 17h05). Tôi bỏ hẳn thói xấu - rề rà làm thêm xíu việc vặt vào phút chót, vì có ở lại trong trạng thái bồn chồn cũng không làm không xong, lại tốn kém gấp đôi để về được đến nhà vì đã lỡ bus. Tôi biết sắp xếp phân bổ công việc hợp lý hơn, tính toán được các đầu việc cần ưu tiên (đặc biệt là các đầu việc cần sự phối hợp của các thành viên/phòng ban khác), biết cách lưu dữ liệu để có thể xử lý công việc khi di chuyển. Tôi tập thành nếp: Đến 17h15 là nhất định tắt máy đi về, dứt điểm công việc gọn nhẹ. Tất nhiên cũng có khoảng thời gian khối lượng công việc tăng đột biến buộc lòng tôi phải đi sớm hơn, tìm chỗ gửi xe máy khác, đi tuyến đường khác để về nhà với con không quá muộn. Nhưng quan trọng nhất là tôi trở nên thận trọng với cam kết của mình, biết deal deadline phù hợp, biết điều chỉnh thói quen và mong đợi của bản thân. Tôi chủ động từ chối một số đầu việc liên quan đến thương vụ, và chấp nhận hệ quả của lựa chọn đó (ở trường hợp của tôi là buộc phải làm nhiều báo cáo, việc vặt khác của phòng, vì không có mặt trong các cuộc gặp gỡ khách hàng sau giờ làm việc nên cấp trên cũng ít ghi nhận sự hiện diện của tôi hơn, lộ trình thăng tiến của tôi có thể chậm hơn và thiếu rõ ràng hơn). Tựu trung lại, tôi đã áp dụng định nghĩa thành công của tác giả vào trường hợp của mình “Thành công là đưa ra chọn lựa tốt nhất và chấp nhận chúng”. [14]

Khi chăm con mọn và làm freelancer, tôi cũng chủ động chọn việc hạn chế họp hành, những đơn đặt hàng không cần chăm chăm vào điện thoại, chỉ cần giao kết quả đúng deadline. Từ quản lý đội nhóm thực hiện nguyên một họp báo/famtrip [15] / sự kiện, tôi chỉ còn nhận viết kịch bản chương trình/TCBC/ FB post/ bài phát biểu lãnh đạo trong sự kiện. Nhờ đó, tôi không những có nhiều thời gian hơn cho bài viết mà còn rèn được kỹ năng liệu cơm gắp mắm với đồng tiền nhỏ, xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp nhằm đảm bảo mức sống cơ bản cho gia đình khi sẵn sàng rút khỏi dự án (đồng ý để agency lựa chọn freelancer khác nếu khách hàng đã sửa quá 3 lần mà vẫn không duyệt, còn thay đổi định hướng nội dung thống ban đầu).
Khi đã phân chia được đầu việc hợp lý và theo dõi được khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành các đầu việc cụ thể, bạn đọc sẽ có khả năng tập trung để cải thiện năng suất. Cảm giác hoàn thành công việc lên kịp chuyến xe bus cuối cùng, nghe tiếng con reo “a mẹ về” khi mở cửa là những khoảnh khắc hạnh phúc khó tả, ngày nào cũng vui như ngày nào. Ngoài ra, chủ động loại bỏ mạng xã hội trên thiết bị di động, cầm theo một cuốn sách giúp tôi có thời gian tĩnh lặng cần thiết để xâu chuỗi vấn đề, đọc vài trang sách, viết một ít cho dự án riêng, ôn vài từ mới rồi nghỉ ngơi. Khi không thể thay đổi những định kiến cố hữu tại văn phòng, tôi chủ động giảm cường độ làm việc, giảm mong đợi của đồng nghiệp và cá nhân trong hoàn cảnh mới. Tôi nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Không tìm kiếm sự biệt đãi hay cảm thông. Sau một thời gian, tôi nhận thấy sự cương quyết, chịu thương chịu khó và kiên trì có mãnh lực rất lớn. Sự ghi nhận thật sự xứng đáng với nỗ lực đã bỏ ra.

Kể ra hành trình này để thấy, đàn ông vừa thành đạt trong công việc vừa hạnh phúc viên mãn bên vợ con là chuyện bình thường. Còn với phụ nữ, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn. Nhưng không phải là không thể. Mặc dù “Phụ nữ bị bao vây bởi những bài báo cảnh báo họ rằng không thể nào cùng lúc chăm lo cho gia đình và sự nghiệp. Họ được nhắc đi nhắc lại rằng họ phải chọn lựa, vì nếu muốn làm quá nhiều thứ, họ sẽ rối loạn và đau khổ. Đặt vấn đề trong bộ khung “cân bằng công việc - cuộc sống” - như thể hai yếu tố này nằm ở hai đầu đối lập - đã cho thấy sự thua cuộc của công việc. Vì nhiều người sẽ chọn cuộc sống, từ bỏ công việc, nhưng thật ra công việc và cuộc sống không đối lập nhau, và hoàn toàn có thể dung hòa. “Phải xác định ưu tiên trong nhà và trong văn phòng”, để “đạt năng suất cao hơn trong văn phòng và biết đâu cũng là một người mẹ tốt hơn”. [16]

Sheryl Sandberg trích nhận xét của Ellen Bravo, giám đốc hiệp đoàn Family Value Word, “đa số phụ nữ không tính đến chuyện vẹn cả đôi đường, họ lo ngại mất cả mọi đường - công việc sức khỏe cho con cái, ổn định tài chính cho gia đình - vì những xung đột thường xuyên giữa làm nhân viên giỏi và làm mẹ có trách nhiệm.” [17]

Về vấn đề này, tác giả Sharon Lechter trong cuốn “Phụ nữ nghĩ giàu làm giàu” cũng lựa chọn cả công việc và gia đình, thông qua một khái niệm thật sự ấn tượng và thuyết phục “Bạn là MỘT người toàn vẹn đang sống một cuộc sống lớn”. [18]. Bạn không cần tìm kiếm sự cân bằng, thay vào đó hãy lựa chọn hài hòa cả hai trong một cuộc sống lớn “Vấn đề không phải là có được tất cả. Vấn đề là có được những gì bạn cho là giá trị nhất” [19] (Sharon Lechter từng làm cố vấn tài chính cho tổng thống Bush. Đừng vì hai chữ làm giàu trong tiêu đề cuốn sách mà bạn có thành kiến với cuốn sách nhé).

Phu nu nghi giau lam giau Sharon Letcher


“Tôi làm việc toàn thời gian và thỉnh thoảng phải làm việc ngoài giờ, nhưng tôi vẫn lựa chọn trở thành một phần tích cực trong cuộc sống của các con tôi - ở trường và ở nhà. Những lựa chọn này có thể dẫn đến kết quả là bạn phải trả giá bằng những đêm thức khuya, những buổi sáng dậy sớm hoặc làm việc cuối tuần khi phải làm cho kịp thời hạn. Chồng con và các thành viên khác trong gia đình biết rằng thỉnh thoảng tôi cần linh động đặt công việc lên ưu tiên hàng đầu để có thể là một người mẹ toàn vẹn trong các hoạt động ở động ở trường và các hoạt động thể thao của con tôi. [20] 

Dan than Sheryl Sandberg4

 

Luôn có cái giá phải trả. Từ khóa trong câu trích dẫn vừa rồi là “chồng con và các thành viên khác trong gia đình biết”. Đúng vậy, cần tập để con quen và hiểu cho những lần vắng mặt, về trễ của chúng ta; cần tìm kiếm sự đồng thuận, hỗ trợ từ người chồng. Người mẹ đi làm là chúng ta cần ý thức về những việc việc này để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. 

Ba lời khuyên cho những bà mẹ đi làm

1. Đặt ra giới hạn công việc và tuân thủ chúng: Để bền bỉ dấn thân, chúng ta cần đặt ra những ranh giới, những quy tắc và tuân thủ chúng.

Sheryl Sandberg chia sẻ “Sẽ không bao giờ công ty ngừng đòi hỏi này nọ từ nhân viên, do đó chúng ta phải là người quyết định mình sẵn sàng làm những gì. Nói không là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta cần phải quyết định mình muốn làm việc bao nhiêu giờ một ngày và đi công tác bao nhiêu ngày một tuần. Nếu sau này công việc không suôn sẻ, chúng ta cũng biết rằng mình đã cố gắng hết sức trong khả năng. Thành công lâu dài trong công việc chính là nhờ chúng ta không cố gắng thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu đặt ra. Cách tốt nhất là dành chỗ cho cả cuộc đời và sự nghiệp là phải biết chọn lựa phù hợp - đặt ra giới hạn và tuân thủ chúng.” Tác giả còn trích dẫn thêm công trình nghiên cứu của giáo sư Stanford Jennifer Aaker cho thấy việc đặt ra mục tiêu hợp lý là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc. [21]

Dan than Sheryl Sandberg5

Điều này với Sharon Lechter là “giải phóng gánh nặng của việc đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. “Lựa chọn những gì tốt nhất có thể, dưới sự dẫn dắt của các giá trị, các ưu tiên và hoài bão” [22] chứ không tính toán theo kiểu tập trung bao nhiêu thời gian cho công việc, bao nhiêu cho cuộc sống cá nhân. “Tôi tìm người giúp các công việc giặt giũ, nấu ăn và dọn dẹp để tôi có thể có nhiều thời gian dành cho các con sau khi tôi về nhà. Tôi bảo đảm mình phải có mặt tại tất cả các hoạt động ở trường. Khi bị trễ hạn, tôi làm việc trước khi các con dậy vào buổi sáng và sau khi chúng đi ngủ vào buổi tối. Tôi sẵn sàng làm để đảm bảo là tôi luôn “có mặt” cho gia đình mình”. Đây là cách bà thực hành khi lựa chọn tình yêu vô hạn của người mẹ và cả sự cam kết, tận tâm của một doanh nhân. [23]

2Kiểm soát nỗi sợ và cảm giác tội lỗi

Theo hai tác giả, Kiểm soát cảm giác tội lỗi và nỗi sợ cũng quan trọng không kém việc kiểm soát thời gian đối với các bà mẹ.

Sheryl Sandberg và Sharon Lechter còn đề cập đến nỗi sợ hãi và khuyến nghị phụ nữ vượt qua nỗi sợ, và biết chấp nhận rủi ro.

Sheryl Sandberg cho rằng “Sợ hãi là gốc rễ của nhiều rào cản mà phụ nữ phải vượt qua. Sợ không được yêu quý. Sợ đưa ra chọn lựa sai lầm. Sợ thu hút sự chú ý không tốt. Sợ mình vươn xa quá. Sợ bị người ta đánh giá. Sợ thất bại. Và nỗi sợ lớn nhất: sợ là một người mẹ/vợ/con không tốt.” “Không sợ hãi, phụ nữ có thể theo đuổi để thành công trong sự nghiệp và trong đời sống – tự do chọn một trong hai, hay cả hai.” Với Sharon Lechter bà dành nhiều tâm huyết để viết về những 7 nỗi sợ hãi của phụ nữ với nhiều lời khuyên rất giá trị. Đó là lý do khiến đến nay cuốn sách này vẫn là một trong những cuốn sách mình đọc đi đọc lại nhiều lần, và từng trách bản thân đã trì hoãn mở cuốn sách khá lâu (vì thành kiến với chữ làm giàu)

Cảm giác tội lỗi có thể còn thường trực hơn.

Sharon Lechter cho biết “một nghiên cứu được tiến hành ở Đại học Basque Country Tây Ban Nha khẳng định rằng phụ nữ nhạy cảm với cảm giác tội lỗi hơn đàn ông.” “Chúng ta có khuynh hướng cảm thấy có lỗi ngay cả khi không phải lỗi của mình”. Bà trích dẫn lời một phóng viên và viện sĩ người Úc - Germaine Greer về chủ đề này như sau “Phụ nữ sống một cuộc sống với những lời xin lỗi liên tục. Họ sinh ra và lớn lên để chịu trách nhiệm về những hành vi của người khác. Nếu chồng họ không thích họ, đó là vì họ là không hấp dẫn. Nhà cửa bụi bặm và lộn xộn là lỗi của họ, mặc dù không phải họ gây ra chúng." [24] Sharon Lechter trích dẫn cuộc khảo sát năm 2010 của tạp chí Stylist, Vương quốc Anh, cho thấy 96% phụ nữ cảm thấy có lỗi ít nhất một lần một ngày. Trong số 1.324 phụ nữ và 55 đàn ông được hỏi, 92% người cho rằng đàn ông cảm thấy ít tội lỗi hơn so với phụ nữ. Tội lỗi là cảm xúc tiêu cực làm suy yếu giải pháp, đầu độc cuộc sống. Còn chị Sheryl lại trích dẫn đề xuất của nhà báo Nhà báo Mary Curtis đề xuất trên tờ The Washington Post rằng lời khuyên tốt nhất là “phụ nữ hãy bỏ qua cảm giác tội lỗi, ngay cả khi thời gian đang trôi. Điều bí mật là không có bí mật nào hết - chỉ cố làm tốt nhất với những gì mình có trong tay”. 

Vì vậy phụ nữ nhất là working mom nên "NGƯNG cảm thấy có lỗi" [25]. NGƯNG CẢM THẤY CÓ LỖI là tiết kiệm thời gian và bảo toàn nguồn năng lượng của phụ nữ. Chỉ như vậy thôi, chúng ta đã lấy lại được bao nhiêu thời gian chìm đắm trong cảm giác có lỗi, tự dằn vặt và trừng phạt mình. 

Khi làm việc ngoài giờ và thấy có lỗi với chồng con, chơi với con và thấy có lỗi vì chưa hoàn thành công việc thì rõ ràng chúng ta thực hành lời khuyên cuối cùng: không hiện diện!

3. Hiện hữu trong từng phút giây. 

Cam kết hiện diện/có mặt/ tập trung vào một việc duy nhất vào mỗi thời điểm để tận dụng tối đa khả năng làm việc của bộ não khi ấy. Bạn có thể dùng giấy bút viết ra những suy nghĩ bất chợt hiện ra khi đang làm việc và tiếp tục công việc đang làm. Khi chơi với con, thật sự lắng nghe và đối đáp lại để tăng sự gắn kết giữa hai mẹ con. Ngoài ra, hãy tạo ra một danh sách ngưng làm và thực hiện nó. Trường hợp của tôi là không dùng mạng xã hội khi đang trên xe bus và sau khi về tới nhà. Không mua sắm trực tuyến nếu không soạn trước danh sách các hạng mục cần mua.

Hiện hữu trong từng phút giây còn có nghĩa là GIỜ NÀO VIỆC ĐÓ.

Có đôi lần tôi sử dụng thời gian ở cơ quan để xử lý việc riêng, rồi dùng thời gian cá nhân để làm việc cơ quan. Thói quen này thật sự KHÔNG HIỆU QUẢ. Việc nhập nhằng thời gian giữa hai mảng góp phần khiến não bộ của tôi trở nên xuề xòa, rối rắm và không hiệu quả (sợ bị phát hiện khi làm việc riêng, sợ không dành đủ thời gian cho gia đình khi làm việc tại nhà). Trong danh sách công việc mỗi tuần và mỗi ngày, tôi luôn có những đầu việc BẮT BUỘC - thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu, thường thì chúng thuộc nhóm CÔNG VIỆC. Và tôi dùng thời gian tại cơ quan để hoàn thành tất cả nhóm việc này, để hạn chế tối đa xử lý công việc (do năng suất làm việc thấp) tại nhà.

Tôi rất biết ơn hai tác giả trên vì những câu chuyện, lời khuyên và tâm tình thể hiện qua hai cuốn sách. Tôi quan sát thấy, tại Việt Nam, những phụ nữ trẻ không được chuẩn bị hành trang tốt trước khi đảm nhận vai trò làm mẹ. Các bạn lo lắng nhiều về gia đình hai bên, về lễ cưới, về tài chính sau hôn nhân nhưng thường dành ít thời gian để hình dung sự thay đổi lớn về tâm lý, nhịp sống, thói quen mà em bé sẽ mang lại cho cuộc sống, và công việc của mình. 

Tôi tin, phụ nữ giai đoạn 35-40 thật sự là giai đoạn chín muồi về kỹ năng, nhận thức, trình độ và mối quan hệ. Đồng hành cùng họ vượt qua giai đoạn con mọn để giữ chân họ làm việc sau đó là một chính sách đúng đắn dựa trên sự am hiểu về mặt xã hội học và nhân học, giúp tiết kiệm chi phí đào tạo người mới, tăng hiệu quả cho doanh nghiệp trong dài hạn.

Tôi thấy những phúc lợi giúp phụ nữ vượt qua giai đoạn con mọn khu vui chơi cho trẻ, tặng giờ giữ trẻ miễn phí, hay ánh nhìn bao dung của đồng nghiệp trước hình ảnh phụ nữ vì lý do nào đó vào mang con theo để xử lý công việc là những nghĩa cử rất văn minh, hướng đến lợi ích dài hạn. Chúng là điểm cộng giữ cân nhân viên (ngay cả khi lương và chế độ có thể không tịnh tiến kịp lạm phát) mặc dù những điều này không bao giờ được chia sẻ trong các buổi phỏng vấn. Với những người đang may mắn nhận được những phúc lợi này, xin hãy nhớ, đừng lạm dụng chúng. Nếu có thể, đừng biến những phúc lợi này thành đặc quyền cá biệt cho 1 nhóm người nào đó, mà nên trở thành chính sách chung cho những người mẹ đi làm. 

Đọc sách là hành trình rất cá nhân, thú vị và mang lại nhiều lợi ích. Việc đọc trở nên dễ dàng hơn nếu chúng chạm được đến cảm xúc của người đọc. Hy vọng chia sẻ của Sheryl Sandberg và Sharon Letcher sẽ tiếp thêm động lực cho bạn. Chúc bạn luôn kiên tâm và bền bỉ với hành trình mình đang lựa chọn.


Chú thích:
[1] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr. 200-202
[2] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr. 208-209;
[3] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, 214- 215
[4] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr. 217. 
[5] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr.47
[6] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr.46-47
[7] ] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr.205
[8] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr.204
[9] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr.203-204
[10] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr.203
[11] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr. 202
[12] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr.203
[13] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr.205
[14] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ năm 2020, tr. 214
[15]  Fam trip viết tắt của familization trip (chuyến đi làm quen) thường được một doanh nghiệp tổ chức ngay khi khởi động dự án để thành viên nắm rõ thông tin và có trải nghiệm thực địa.'
16] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ NXB Trẻ năm 2020, tr. 46
[17] Sheryl Sandberg, “Dấn thân” – Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo, NXB Trẻ NXB Trẻ năm 2020, tr. 45
[18] Sharon Lechter, Phụ nữ nghĩ giàu làm giàu, NXB Thế giới 2017, tr. 320
[19] Sharon Lechter, Phụ nữ nghĩ giàu làm giàu, NXB Thế giới 2017, tr. 321
[20] Sharon Lechter, Phụ nữ nghĩ giàu làm giàu, NXB Thế giới 2017, tr. 324
[21] Sharon Lechter, Phụ nữ nghĩ giàu làm giàu, NXB Thế giới 2017, tr.323
[22] Sharon Lechter, Phụ nữ nghĩ giàu làm giàu, NXB Thế giới 2017, tr. 320
[23] Sharon Lechter, Phụ nữ nghĩ giàu làm giàu, NXB Thế giới 2017, tr. 320, 326
[24] Thái Vân Linh, 2 Điểm Mù Tư Duy Khiến Bạn Càng Làm Việc Càng Đứng Yên (Và Cách Tháo Gỡ), https://thaivanlinh.com/blogs/tips-phat-trien-su-nghiep/2-diem-mu-tu-duy truy cập 14:05 03/06/2025
[25] Sharon Lechter, Phụ nữ nghĩ giàu làm giàu, NXB Thế giới 2017, tr. 320, 326
[26] Sharon Lechter là một chuyên gia quốc tế về tài chính và kinh doanh, là một tác giả có uy tín, nhà từ thiện, nhà giáo dục và diễn giả quốc tế. Bà là nhà sáng lập và điều hành Pay Your Family First, một tổ chức giáo dục tài chính. Tổng thống George W.Bush bổ nhiệm bà vào Hội đồng Tư vấn Tài chính đầu tiên của Tổng thống. Bà đã phục vụ cho cả Tổng thống G.W.Bush và Tổng thống Obama trong vị trí này. Sharon đồng thời là đồng tác giả cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới Rich Dad Poor Dad, cùng với 14 cuốn sách khác trong loạt sách Rid Dad. Trong 10 năm làm đồng sáng lập và giám đốc điều hành công ty Rich Dad, bà đã dẫn dắt tổ chức này cùng thương hiệu của họ lên tầm cỡ quốc tế.

* Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho Du lịch văn hoá để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

63 lượt xem

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật