Tôi hình thành ý tưởng chuỗi bài viết về “quy hoạch đô thị” một năm về trước khi Hội Khoa học Lịch sử được Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Khánh Hoà đặt viết bài về vai trò văn hoá lịch sử chợ Đầm tròn. Bài toán của Liên hiệp hội tỉnh lúc bấy giờ là thu thập ý kiến của giới trí thức địa phương nhằm tham mưu UBND tỉnh ra quyết định nên dỡ bỏ hay giữ lại chợ Đầm tròn, đồng thời đề xuất phương án tối ưu cho cả hai tình huống trên. Đó là lần đầu tiên bản thân tôi có được sự thôi thúc tìm hiểu về lịch sử hình thành chợ, mối quan hệ giữa chợ và quy hoạch đô thị. Nếu đề xuất dỡ bỏ hay giữ lại chợ Đầm tròn chỉ dựa vào sự gắn bó, niềm yêu thích, kỷ niệm hay lợi ích kinh tế của một nhóm cá thể nhất định (gắn liền với chợ Đầm) thì đều thiếu tính khách quan. Tháng 4/2024, tôi được nhận vào một công ty khai thác cảng và cung cấp dịch vụ chuỗi logistics tại Cam Ranh làm việc. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu tàu trong công cuộc hiện thực hóa nghị quyết 09 của Bộ Chính trị giúp TP. Cam Ranh trở thành đô thị du lịch logistics. Thế là tôi có thêm cơ hội, động lực và điều kiện tiếp xúc với các vấn đề quy hoạch đô thị, tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa chợ, các dòng chảy thương mại, giao thương (trong đó có bến cảng) với quy hoạch đô thị. Chuỗi bài viết này là các vấn đề tôi tri nhận được về đề tài trên.
Bài đầu tiên trong chuỗi bài viết chính là điều tôi thấy thú vị nhất khi tìm hiểu về đề tài này: tâm lý, tính cách và tập quán của người dân có ảnh hưởng đến diện mạo đô thị người dân đang sống [1].
Một góc Núi Chụt năm 2024, ảnh Lê Minh Hiếu
Nói cách khác, tâm lý và tập tính của người dân là một yếu tố ảnh hưởng lớn kết cấu đô thị mà người quản lý cần quan tâm. Các yếu tố tâm lý được các nhà quy hoạch đô thị thời Pháp nhắc đến chính là tâm lý đầu cơ đất đai, tính tùy tiện/ thiếu nghiêm túc, thói ăn cắp vặt, thói chuộng hình thức/ bề ngoài và thói quen giữ vệ sinh kém của người Việt. Ở bài viết này tôi sẽ trình bày mối quan hệ giữa các “tật xấu” trên với diện mạo đô thị được ghi chép trong 3 cuốn sách: Quy hoạch đô thị và kiến trúc ở Đông Dương (Truong Phuong Book, NXB Mỹ Thuật, 2023), Việt Nam qua tuần san Indochine (1941-1944, Omega Plus, 2019) và cuốn Vương quốc An Nam và Dân An Nam - ký sự du hành của J.L.Dutreuil de Rhins, tức là ở thế kỷ XIX và XX. Sau đó, tôi sẽ điểm lại về hiện trạng các tật xấu này ở thế kỷ XXI, dưới con mắt của một nhà văn nữ Di Li qua cuốn sách "Tật xấu của người Việt" (Nhã Nam, Nxb. Hội nhà văn, 2024).
Bộ sách Quy hoạch đô thị và kiến trúc Đông Dương & Vương quốc An Nam và dân An Nam
Như đã trình bày ở trên tâm lý, tính cách và tập quán của người dân có ảnh hưởng đến diện mạo đô thị họ đang sống. Cụ thể, diện mạo đô thị An Nam chịu ảnh hưởng bởi các tập tục, tính cách sau:
1. Niềm ưa thích sở hữu và đầu cơ đất đai đã được ghi chép lại trong quan sát của các nhà quy hoạch đô thị người Pháp. Cụ thể, các nhà quy hoạch đô thị đã nhìn thấy hành vi đầu cơ đất đai và tính chuộng hình thức có mối tương liên và liên đới tới công tác quy hoạch đô thị. Các tật xấu này được nêu đích danh: “Chính sách đất đai thiếu thận trọng”;“Sự đầu cơ đóng một vai trò quan trọng”;“Người An Nam có sở thích đầu tư vào đất đai; đáp ứng nhu cầu an toàn cũng như nhu cầu bề ngoài”. Hậu quả được tác giả đề cập chắc nịch pha chút mỉa mai “Tinh thần hám lợi này, đặc biệt là ở Bắc Kỳ, dẫn đến việc chia nhỏ đất đai, dẫn đến tình trạng sinh sống chen chúc” [2]
2. Nhu cầu thể hiện, sự ưa chuộng hình thức bề ngoài cũng được tác giả nhấn mạnh “Nhu cầu về bề ngoài mà chúng ta tìm thấy ở khắp mọi nơi, khiến người An Nam không có đủ nguồn lực cho nơi ở của mình” “Chúng tôi đều đã nhìn thấy những người trẻ tuổi thanh lịch, người An Nam sôi nổi với váy áo nhiều màu và môi đỏ, trở về khu ổ chuột vào ban đêm” “Làm thế nào giải quyết vấn đề nhà ở với tâm lý như vậy" [4] “Nhu cầu bề ngoài, vẻ bề ngoài phù phiếm này, mặt trái của một tâm lý rất cởi mở với những điều mới lạ, gắn liền với tinh thần bắt chước không phải lúc nào cũng đúng đắn, đã tạo ra cho một số khu vực của thành phố Bắc Kỳ, cho các cửa hàng, cho các toà nhà một kiểu kiến trúc mà một số người tin rằng là hiện đại, trong đó tham vọng và thường có sở thích không tốt, dẫn đến kết quả thẩm mỹ tồi tệ” [5] Nhà giáo dục Nguyễn Văn Huyên từng nói về tính thích thể hiện của người Việt như sau “ở nông thôn, vấn đề thể hiện có một tầm quan trọng trong xã hội hàng đầu. Người nông dân rất thích nổi bật trước mắt kẻ khác và thích nên danh nên giá. Họ sẵn sàng nhịn hẳn thịt cá và các món ăn ngon lành trong cả năm, hay mặc những bộ quần áo vá chằng vá đụp, chỉ cốt để có tiền tổ chức những bữa khao vọng linh đình nhân được thụ phong một loài bằng sắc nào đó”. Như vậy, không chỉ thành phần thị dân mà cả người nông dân đều thích thể hiện, điểm khác nhau chính là cách thể hiện “căn tính” này ra bên ngoài [6]
Trong Sống đời ở chợ (Tao Đàn, 2017), Nguyễn Mạnh Tiến đã trích phát hiện của Vũ Tự Lập (1991:55) về tâm tính thú vị của người phụ nữ chạy chợ trong các làng Đồng Bằng Sông Hồng, đó là "vừa cam chịu, vừa có tham vọng vươn lên bằng chị bằng em," “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, “trong làng không mấy khi không có hội hè, đình đám, lễ tết, làm cho dân làng bị bận rộn, cuốn hút dù có tốn kém cũng phải chịu. (Vũ Tự Lập 1991:55). [7] +
Tính chơi trội cũng ảnh hưởng đến diện mạo đô thị vì những ngôi nhà theo gu “chơi ngông” dưới con mắt của những nhà quy hoạch đô thị đã phá đi nét đồng bộ của toàn khu vực “Khi người dân làng, giàu có, dựng lên giữa một vùng nông thôn vốn thường có nhiều đặc tính riêng và thống nhất, một ngôi nhà hai tầng kiểu thành thị với mái ngói gớm ghiếc.” [7]
Trong một bài viết khác đăng trên cùng tạp chí có tiêu đề Quy hoạch đô thị và mỹ học, Pineau đã so sánh cảnh quan nhà cửa ở Huế và ở Bắc kỳ như sau “Ở Huế, người ta có thể thấy, trong thành, các ngôi nhà theo kiểu An Nam truyền thống nằm sâu trong một khu vườn yên tĩnh sau một hàng rào được xén tỉa sạch sẽ mặc dù có sự khó coi của một vài ngôi nhà mới xây dựng gần đây. Thay cho những bức tường bên trên lởm chởm mảnh chai vỡ khá đắt đối với người Bắc Kỳ là những hàng rào gồm những cây cơ nhỡ được gia công rất thông minh”. "Đó là vì tâm tính người ta không như nhau. Ở trong này (tức Huế) vẫn còn các nhà nho quý tộc, các quan lại thích làm việc cho Nhà nước và thích những vật dụng thông thường. Ở ngoài đó, người Bắc kỳ thành công trong buôn bán phô trương sự giàu có của mình trong các công trình kiêu kỳ.” [8]
Sang đến thế kỷ XXI, nhà văn Di Li cho biết “Người ngoài Bắc hễ có tiền là rất thích được làm vua chúa nên nhiều bận về quê mà vẫn thảng thốt bắt gặp điện Kremlin hay mái vòm củ tỏi thấp thoáng sau cánh đồng lúa dù cả làng chẳng ai theo đạo Hồi, không thì cũng kỳ được một góc mái cong vút kiểu Thiên An môn hoặc phù điêu chạm trổ lối hoàng gia Louis. Nhiều nhà bé tí tị, vẫn không kiềm chế nổi ham muốn chất đồ nội thất Royal made in Quảng Châu vào cho sang” [9] Thi thoảng đang băng băng đường xa lối nhỏ mà vẫn giật mình đánh thót vì lù lù bên cạnh một biệt phủ [10]
3. Thói trộm vặt của người An Nam và các hàng mảnh chai xuất hiện trên các bức tường ngay lập tức được liên kết với nhau "Nỗi sợ hãi trước quá nhiều tên trộm, đã xác định bộ mặt của thành phố", “Trong chính các ngôi làng chúng ta có thể thấy hàng rào bằng tre hoặc cây khô, được thay thế bằng những bức tường đầy gai nhọn, một túp lều ẩn mình sau cánh cửa theo đúng phong cách “nghệ thuật trang trí” thuần tuý nhất, ngao ngán nhất”; Pineau cũng so sánh cảnh quan của xứ An Nam với thói quen để mảnh chai trên tường rào và cảnh quan với những ngôi nhà sàn gỗ ở đô thị Cao Miên và Lào “Ở đó không có hàng rào xây trên đầu bằng những mảnh chai vỡ, vốn khiến cho các thành phố ở An Nam trở nên xấu xí” [11] Đây là thực tế diễn ra ở đất liền, còn ở trên thuyền, J.L.Dutreuil de Rhins từng tường thuật khi đến Huế như sau “khi trở lại tàu Scorpion: sự giám sát là số không, hay phải thừa nhận rất có khả năng có mối liên quan giữa thuỷ thủ đoàn và kẻ trộm, bởi vì người ta đã tháo dỡ gần như hoàn toàn các đồ vật bằng đồng dễ lấy đi nhất" [12]
Cũng trong đợt du hành đến Huế, Rhins trò chuyện với một người xin được làm việc trên tàu Scorpion tên Thân, Rhins đã được nghe kể về thói trộm cắp và việc cấu kết giữa quan lại và kẻ cắp để giành lấy công lý như sau:
“Vậy thuỷ thủ sống như thế nào?”
“Rất đơn giản. Các quan cho phép họ đi rong và trộm vặt - lấy củi, theo cách nói của họ - và họ ăn hoặc bán những gì họ lấy được”
Nhờ cách lươn lẹo này, thiệt hại chủ yếu thuộc về nhà nước và dân. Đôi khi không còn một ai trong mười người trên tàu; thuỷ thủ và binh lính sống nhờ vào làng mạc sát cạnh; và cư dân thường từ chối khiếu nại, vì kết quả duy nhất của việc này là một sự chia chắc lợi nhuận giữa quan lại và chính quyền địa phương [13]
Phần chú thích tại chân trang như sau “Thân nói quá đúng sự thật về mọi chuyện. Trộm cắp là một trong những tai ương của xứ này, nơi thường dân và quan lại cướp bóc tuỳ thích. Liên tục, các đồng nghiệp và tôi, đã phải chán nản trước thuỷ thủ đoàn dốt nát rời bỏ tàu, những kẻ thay vì luyện tay nghề, lại đi cướp bóc xung quanh! Có bao nhiêu trong số những anh chàng ít bất lương hoặc kém xoay sở hơn đồng đội của họ, đến phàn nàn với chúng tôi vì đã bị bọn quan lại và người hầu đoạt của!” [14]
Như vậy, trong cách tường thuật tình trạng trộm cắp tại An Nam, tác giả chia nhóm người đã gặp thành 2 nhóm: nhóm tuỳ thích cướp bóc và nhóm ít bất lương hoặc kém xoay sở hơn, chứ chưa hẳn sẽ không trộm cắp!
4. Việc coi thường vệ sinh được nhắc đến rất nhiều. Trong ký ức của tôi, những nhà vệ sinh công cộng chỉ mới trở nên phổ biến trong vài chục năm trở lại đây, trước đó, “đi ra thăm đồng”, “đi tiêu ngất ngưỡng trên bờ ao” là điều phổ biến, hiển nhiên và thoải mái. Nhưng điều này trong con mắt người nước ngoài lại được tường thuật là thiếu thanh lịch “Trên bờ dốc của toà thành, thảng hoặc mới thấy vài căn nhà, nhưng ở phía hữu ngạn, nhà cửa tập trung thành dãy dọc theo mép của bờ đê và cao hơn mặt nước từ một đến hai mét. Quang cảnh nhà cửa này có thể gây ấn tượng đặc biệt cho du khách chưa biết về người An Nam, lần đầu tiên được đưa ra giữa con kênh này, vì anh ta sẽ thấy những chiếc thang nhỏ treo lơ lửng ở mỗi căn nhà, trên đó người bản xứ, đàn ông hay phụ nữ, đều đi vệ sinh một cách thiếu thanh lịch.” [15] Rõ ràng, khi đang giữ những thói quen nhất định và thoải mái với thói quen đó, chúng ta không ý thức được hết mặt tiêu cực và tác hại của chúng. Một góc nhìn từ bên ngoài đôi khi là hồi chuông cảnh tỉnh cho bản thân và cộng đồng để kịp nhận thức và có những hiệu chỉnh phù hợp.
Thói quen bắt chấy rận cho nhau - đúng là vẫn xuất hiện trong sinh hoạt thường ngày trong tuổi thơ thế hệ 8X như tôi - đã được tường thuật pha chút thảng thốt của người nước ngoài ở thế kỷ XIX “Họ tắm rửa qua loa, nhưng họ dành phần lớn thời gian để bắt chấy rận, chúng sinh sôi trên mái tóc đẹp của họ [16] “Việc vệ sinh thân thể cũng bị bỏ quên: họ chỉ lau mặt với một ít nước và không có xà phòng, vì xứ này không có. Tuy nhiên, họ chải tóc, một số người có tóc dài và rất đẹp, đồng thời bắt chấy rận cho nhau [17]
Không chăm lo đúng mức cho cơ thể, ít tắm và không sử dụng xà phòng; sống chung với rác.
“Xà phòng không còn xa lạ với Tourane cũng như trong nội địa, nhưng không ai sử dụng nó”
“Trong khoảng thời gian một vài đêm, dọc theo hai bên đường lộ hoặc đường làng, mà hôm trước hoàn toàn là khu vực nông nghiệp, đã mọc lên những túp lều, nơi cha mẹ, con cái, vật nuôi sinh sống chen chúc. Ở những bãi đất trũng thường bị ngập úng, thiếu nước sinh hoạt nhưng ao tù đọng lại rất nhiều và tranh giành không gian với rác” [18]
“Tôi và thợ máy sử dụng phòng ăn của sĩ quan, chia làm hai phòng. trên cùng cầu thang dẫn đến cửa phòng tôi và cửa phòng của các quan chỉ cách nhau một mét: phòng bày biện rất tệ, suốt cả ngày, liên tục đoàn thơ lại và người hầu làm đổ chén bát ly tách khắp nơi, hoặc để rơi tro than. Việc dọn rửa vẫn chưa chấm dứt, mọi thứ thật kinh tởm” “Họ ngủ hết trên chiếu và không bao giờ thay khăn trải giường; ngay cả các quan cũng bằng lòng với việc khoác một chiếc áo dài sạch hơn lên trên trang phục thường ngày của họ, trong những dịp trọng thể. việc vệ sinh thân thể cũng bị bỏ quên” [19]
"Khi người này nấu xong, thì người khác lại bắt đầu, và từ sáng đến tối, chỉ thấy mọi người nấu một ít cơ, cá hoặc ăn rau cỏ. Tất cả đồ thừa để lại trên boong, đến nỗi tôi có cảm nghĩ mình ở giữa một khu chợ hơn là ở trên một con tàu và là một khu chợ kinh tởm" [20]
Ngoài ra, các tật xấu như khạc nhổ bừa bãi, luộm thuộm/thiếu ngăn nắp… rất dễ nhìn thấy trong xã hội, kể cả những quan chức lớn trong xã hội. Người cấp dưới lơ như không thấy, đến khi mình đảm nhận trọng trách lớn, lại bắt người khác chịu đựng thói quen xấu của mình.
“Cánh cửa chết tiệt của họ luôn mở, cảnh tượng, mùi bốc ra từ đó và những tiếng đánh rắm chứ tỏ khả năng tiêu hoá tốt của họ, khiến việc ở gần như vậy khó chịu vô cùng”; “Thỉnh thoảng tôi thấy hàng chục người nằm ở đó chơi bài, uống rượu, nhai trầu và nhỏ nước bọt đỏ ngầu bẩn cả sàn, hoặc hút thuốc phiện, mùi của nó thật khó chịu và khiến tôi đau đầu” [21]
“Thỉnh thoảng xã trưởng lại gãi sồn sột, và móng tay dài hơn móng tay người thường của ông ta khiến vết thương càng lớn hơn. [22]
Cũng trong Sống đời ở chợ (Tao Đàn, 2017), trong phần chú thích sau sách, tác giả Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng "Cấu trúc nhà truyền thống Bắc Bộ, không có nhà xí. Nhà xí chỉ có những ngôi nhà giàu, mà không phải vì nhu cầu cần kín đáo, trái lại, đấy lại là hình thức”trưng dụng vệ sinh tập thể” làng mạc nhằm lấy phân để bón ruộng. Một xóm, trong làng, vì thế, cũng chỉ có một số ít nhà vệ sinh - thực chất là cái chòi lá sơ sài được quay quanh một hố hai ngăn có tấm ván bắc qua mà thôi, và tập thể, cứ tuỳ nghi, thoải mái sử dụng khi nhu cầu réo gọi! Hình thức đi vệ sinh phổ biến nhất, thì đấy chính là ra đồng."
"Với đồng đất phải nuôi một lượng cư dân khổng lồ với mật độ 430 người/km2 như tính toán của Gourou về châu thổ Bắc Bộ, thì thứ phân bón tự nhiên ấy là vô cùng quý giá, nhằm bổ sung dinh dưỡng cho đất đai luôn bị vắt kiệt nhằm tăng năng suất, nên không thể để nó/phân thất thoát. Sự “kinh khủng” của điều kiện vệ sinh làng mạc ở những hố xí tập thể ấy để lại nhiều “ấn tượng” và sự kiện chấn động. Nguyễn Mạnh Tiến cũng trích lại chia sẻ của học giả Đỗ Lai Thuý, người làng Ngọc Than, Quốc Oai cho biết sự kiện hi hữu trong “sử vệ sinh”làng, về có tiểu thư Hà Nội từng ngất trong nhà xí vì mùi thối (hay còn vì những đàn dòi lúc nhúc vô tổ chức cứ chực lao lên chân người hữu sự". Tác giả đã khẳng định mối liên hệ giữa "thói quen “ở bẩn” này với hiện nay trong việc tổ chức một xã hội, cảnh quan rất bẩn, ô nhiễm của người Việt hiện đại: "Câu trả lời sẽ là đa dạng, nhưng trong đó chắc cũng có chút quan hệ với quán tính ở bẩn trong quá khứ. Một thế kỷ nỗ lực hiện đại hoá đã không xa rời và cách biệt được bao nhiêu với “truyền thống” [22]+ Nguyễn Mạnh Tiến, Sống đời của chợ, NXB Hội Nhà văn, Tao Đàn, 2017, tr. 339.
5. Đội trên đạp dưới (nói xấu chủ, hoạnh họe đầy tớ), thiếu nghiêm túc dẫn đến thiếu kỷ luật tự thân cũng được nhắc đến. Đầu tiên là thói “đội trên đạp dưới” “Dáng đi của người An Nam, đặc biệt các quan lại, thường rất thong dong; họ tự tạo một dáng vẻ trịnh trọng khi đi ngang đám đông, đám này chỉ tỏ vẻ khúm núm tránh sang một bên đường; vì ngay khi quan lại rời đi, chính họ là kẻ nhạo báng quan lại nhiều nhất. Một vị quan gặp gỡ một vị quan khác có chức cao hơn, đến lượt ông ta sẽ tỏ ra khiêm tốn, hạ mình trước mặt ông kia như kẻ thấp kém, và cũng chế nhạo khi ông quan kia rời xa, và dân sẽ không quên bắt chước và qua mặt luôn cả chủ nhân”,“Đứng trước chúng ta, mọi tự tin của họ đều biến mất, nhưng đa phần trả miếng sau lưng chúng ta vì sự không thoải mái của họ” [23]
Tính thiếu nghiêm túc được tường thuật lại khi Rhins đến một thao trường gần cảng cá Thuận An ngày nay ““Đây là một chỗ mà đằng sau là nơi quân lính tập bắn mục tiêu: các quan và thơ lai được bố trí trong một doanh trại nhỏ; mọi người đều hút thuốc, nhai trầu, uống trà, chuyện vãn và chơi bài, đặc biệt là vừa làm việc vừa hóng gió. Không ai có vẻ tập luyện nghiêm túc, do đó bia đạn đặt xa chỉ khoảng bốn mươi mét, thường không bị bắn trúng. [24]. Trước đó, tính qua loa đại khái và kém mỹ thuật cũng từng được cụ Phan Kế Bính cũng phải thốt trong Việt Nam phong tục rằng “Đường mỹ thuật làm nhà làm cửa của ta còn kém mà tính người cẩu thả lại nhiều, quý hồ cho dung thân được thì thôi chứ không quản gì đến hoa mỹ”. Nguyễn Trường Tộ đã bất mãn “dinh thự các quan tường vách xiêu đổ. Ngoài đường thì bùn lầy, vườn tược thì rác bẩn, trước sân thì cỏ mọc. Ngoài hào thì nơi lồi nơi lủng” [25]
Bài viết này chỉ tổng hợp lại những lát cắt về tâm tính, tập tục của người Việt đã ảnh hưởng đến diện mạo đô thị chúng ta đang sống từ hơn một thế kỷ trước cho đến nay. Mong rằng những người vô tình đọc được ý thức sâu sắc rằng thói quen hành xử của người dân sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo đô thị, để có những điều chỉnh phù hợp ở cấp độ cá nhân, gia đình, sở làm, và nơi các thiết chế xã hội mình sinh hoạt hàng ngày. Có quy hoạch, thiết lập trật tự, xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản đến đâu thì nếp sống và cách hành xử của người dân mới là điều giúp duy trì cảnh quan và diện mạo sống của đô thị.
Mục điểm sách:
1. Quy hoạch đô thị và kiến trúc ở Đông Dương tuyển chọn các bài viết trong số báo chuyên đề về Urbanisme - Quy hoạch đô thị của Revue Indochine Hebdomadaire Illustré, xuất bản ngày 28/10/1943. Đây là tạp chí hình ảnh Đông Dương xuất bản hằng tuần (gọi tắt là Tạp chí Indochine) trực thuộc Hội Alexandre de Rhodes, hoạt động từ 1940 đến đầu 1945. Tạp chí đăng tải nhiều bài vở khảo cứu bằng tiếng Pháp về chính trị, văn hoá, địa lý, lịch sử của ba nước Đông Dương với khá nhiều hình ảnh chọn lọc, là bài viết của nhiều tác giả từ giới chuyên môn đến nhà quản lý.
Quy hoạch đô thị và kiến trúc Đông Dương - một cuốn sách về quy hoạch đô thị đáng đọc cho cả người mới bắt đầu nghiên cứu chủ đề Quy hoạch đô thị
2. Việt Nam qua tuần san Indochine được Lưu Đình Tuân tuyển dịch gồm 47 bài viết về Việt Nam (không có các bài đăng năm 1942), với phổ đề tài đa dạng và hàm lượng tri thức phong phú từ chính trị, nghệ thuật, văn hoá, giáo dục. Indochine là kết tinh của các tập san Pháp ngữ đàn anh nhưng đáp ứng được nhiều tầng lớp độc giả, hàn lâm và bình dân.
Việt Nam qua tuần san Indochine (Omega Plus, 2019) có bài viết khai thác về Quy hoạch đô thị Đông Dương và mỹ học
3. Vương quốc An Nam và Dân An Nam - ký sự du hành của J.L.Dutreuil de Rhins do một nhà địa lý, nhà thám hiểm người Pháp sinh năm 1846 tại Lyon viết. Ông phục vụ cho Hải quân Pháp với cương vị là một thuyền trưởng đường dài trong các cuộc thám hiểm tại Châu Phi, Châu Á, và Mỹ Latin, đồng thời nhận nhiệm vụ khảo sát và vẽ bản đồ. Ông được Bộ trưởng Bộ Hải quân chọn điều khiển 1 trong 5 thuyền chiến Pháp tặng An Nam. Ông đến An Nam vào đầu năm 1876.
Vương quốc An Nam và người dân An Nam - cuốn sách ghi chép đô thị, nhà cửa, tập tục, lối sống của người Huế và Đà Nẵng dưới con mắt một nhà địa lý người Pháp đến An Nam vào năm 1876
Tật xấu của người Việt - Di Li bàn về bệnh sĩ, bệnh thành tích, học làm quan, thói ưa chuộng bề ngoài
4. Tật xấu của người Việt là 48 tản mạn về tính cách thị dân Việt thời hiện đại (Nhã Nam, 2024) kèm các trích dẫn về tính cách người Việt từ những nhà du hành người Pháp từ thế kỷ XVII, các học giả trong nước như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố.
Chú thích:
[1] Pineau (2023), “Những điều kiện quy hoạch đô thị ở Đông Dương” trong Quy hoạch đô thị và kiến trúc ở Đông Dương, Nxb. Mỹ thuật, tr.76-77
[2] Pineau (2023), “Những điều kiện quy hoạch đô thị ở Đông Dương” trong Quy hoạch đô thị và kiến trúc ở Đông Dương, Nxb. Mỹ thuật, tr.78
[3] Pineau (2023), “Những điều kiện quy hoạch đô thị ở Đông Dương” trong Quy hoạch đô thị và kiến trúc ở Đông Dương, Nxb. Mỹ thuật, tr.78 - 79
[4] Pineau (2023), “Những điều kiện quy hoạch đô thị ở Đông Dương” trong Quy hoạch đô thị và kiến trúc ở Đông Dương, Nxb. Mỹ thuật, tr.79
[5] Pineau (2023), “Những điều kiện quy hoạch đô thị ở Đông Dương” trong Quy hoạch đô thị và kiến trúc ở Đông Dương, Nxb. Mỹ thuật, tr.77
[6] Dẫn theo Di Li (2024), Tật xấu của người Việt, Nxb. Hội nhà văn, tr. 215
[7] Pineau (2023), “Những điều kiện quy hoạch đô thị ở Đông Dương” trong Quy hoạch đô thị và kiến trúc ở Đông Dương, Nxb. Mỹ thuật, tr.77
[8] Pineau (2019), “Quy hoạch đô thị và mỹ học” trong Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944 số 188, ngày 6/4/1944, Nxb. Thế giới, tr.272
[9] Dẫn theo Di Li (2024), Tật xấu của người Việt, Nxb. Hội nhà văn, tr. 229-230
[10] Dẫn theo Di Li (2024), Tật xấu của người Việt, Nxb. Hội nhà văn, tr. 234
[11] Pineau (2023), “Những điều kiện quy hoạch đô thị ở Đông Dương” trong Quy hoạch đô thị và kiến trúc ở Đông Dương, Nxb. Mỹ thuật, tr.77
[12] Rhins (2023), Vương quốc An Nam và dân An Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr. 116
[13] Rhins (2023), Vương quốc An Nam và dân An Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr. 65
[14] Rhins (2023), Vương quốc An Nam và dân An Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr. 65
[15] Rhins (2023), Vương quốc An Nam và dân An Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr. 71
[16] Rhins (2023), Vương quốc An Nam và dân An Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr. 60 (lúc này Rhins đến Tourane tức Đà Nẵng)
[17] Rhins (2023), Vương quốc An Nam và dân An Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr. 34 (lúc này Rhins đến Huế)
[18] Pineau (2023), “Những điều kiện quy hoạch đô thị ở Đông Dương” trong Quy hoạch đô thị và kiến trúc ở Đông Dương, Nxb. Mỹ thuật, tr.76
[19] Rhins (2023), Vương quốc An Nam và dân An Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr. 34
[20] Rhins (2023), Vương quốc An Nam và dân An Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr. 35
[21] Rhins (2023), Vương quốc An Nam và dân An Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr. 34
[22] Rhins (2023), Vương quốc An Nam và dân An Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr. 60
[23] Rhins (2023), Vương quốc An Nam và dân An Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr. 55
[24] Rhins (2023), Vương quốc An Nam và dân An Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr. 57
[25] Dẫn theo Di Li (2024), Tật xấu của người Việt, Nxb. Hội nhà văn, tr. 228