Đó là mùa me chín, trời bắt đầu nồm nực. Me kết từng chùm lớn, treo lủng lẳng trên cành. Me ít toả hương, chỉ thoảng nhẹ thứ mùi trung tính, bén mau vào cái se lạnh buổi chiều tà làm dậy lên lớp hương ngây ngấy, đằm vị.
Khuôn viên đình rộng, khoáng đạt, và tinh tươm. Nơi ấy hội về sức sống căng tràn từ bốn hướng từ mớ sâu bò lích nhích ngay những khúc gỗ, liễn thờ. Nơi ấy có mùi bình thản của những phiến lá bàng xanh ươm. Có hương cau thoang thoảng đang được bày biện xếp đặt trong khu vực hành lễ. Có mùi mồ hôi của dân làng đang chung tay xúm xít sửa soạn mâm quả. Có mùi xôi chiên béo ngậy, mùi no đủ của cây trái quanh vườn.
Nơi ấy có ba gian thờ nằm liền nhau: thành hoàng làng ngự ở gian chính điện trung tâm, Mẫu Thiên Y phía bên trái và tiền hiền phía bên phải [1] Có võ ca, bộ bát bửu, bàn thờ Hội đồng và câu đối. Có mùi nhang và đèn dầu hoà quyện thành thứ hương thiêng liêng. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng hỏi han, nhắc việc, trêu đùa rộn rã. Sở hữu tất cả những thứ ấy là anh linh những người đã khuất và những con người trần mắt thịt làng Thuỷ Tú đang tề tụ đông đủ, phụ việc ngày hội đình…
Qua bao thăng trầm, người dân thôn Thuỷ Tú vẫn giữ gìn và truyền thừa ngày Hội đình như một dịp quây quần, tụ họp
Đình Thuỷ Tú trẩy hội xuân vào 11-13/3 âm lịch (ÂL) hàng năm. Trước lễ hội, ban chức sắc và người dân quanh đình sẽ họp bàn công tác chuẩn bị, phân công nhiệm vụ: trang trí trần thiết, khánh tiết, tỉnh sanh [2], thuê đơn vị hát xướng, và nấu nướng. Lễ hội luôn bắt đầu bằng nghi thức rước sắc long trọng vào buổi sáng (9h) và lễ giỗ tiền hiền buổi chiều (14h). 16h chiều ngày hội đầu tiên thường là tiệc mặn phục vụ các cháu thiếu nhi. Lo xong phần lũ trẻ, vào 18h ngày 11/3 ÂL, người lớn sẽ tham gia dâng hương Miếu Bà và dự hội múa bóng. Lễ tỉnh sanh [1] diễn ra vào 21h ngày 11/3 ÂL, còn nghi thức tế Thần và tế Miếu Mẫu diễn ra sáng sớm ngày 12/3 ÂL (0:00-2:00). Đúng 6h30 ngày 12/3 ÂL, đoàn tế lễ sẽ hoàn sắc về chùa Kim Quang (Thuỷ Tú) cách đó 1km và chuẩn bị cho tiệc chính diễn ra từ 9h-12h. Khi tiệc chính kết thúc, ban chấp sự sẽ đợi quan khách, đoàn múa/hát dọn hết đồ đạc khỏi đình, rồi tiến hành lễ tống na (thường diễn ra vào 10h sáng ngày 13/3 ÂL) tại sân đình. Theo các hào lão, tống na là nghi thức xua đuổi tạp uế mà người dự hội vô tình mang về, kèm với mâm cúng cô hồn, đảm bảo những người “khuất mặt” ,“không được vào đình dự hội” cũng được no lòng mà không quấy phá chốn thiêng liêng. [3]
Đình Thuỷ Tú đã trải qua 3 lần di dời. Sắc phong của đình cho thấy đình thành lập năm 1802. Đình dựa lưng vào núi Giáng Hương và chậm rãi nhìn ra dòng sông Tắc nên khá yên ắng trầm, chỉ có người trong thôn tìm đến. Thường ngày hầu như có mỗi từ đình hương khói và chăm cây. Vào tháng 3 âm lịch, người dân lại dành ra một khoảng thời gian thinh lặng trước không gian thiêng, gột bỏ mọi tâm tư, không chút che giấu trước thánh thần.
Người dân thôn Thuỷ Tú trước bàn thờ Thành hoàng
Người dân thôn Thuỷ Tú trước bàn thờ Thành hoàng
Họ đối thoại, gặp gỡ nhau trong cõi tâm linh diệu vợi cùng niềm vui được nhớ về nguồn cội. Họ hồi tưởng về thuở ban sơ đến lập ấp dựng làng. Họ gửi lời thỉnh cầu mong những đấng chí tôn trên cao giữ cho mùa màng tươi tốt, cho cộng đồng an khang.
Ba thế hệ người dân Thuỷ Tú thành kính dâng hương trước miếu Mẫu Thiên Y A Na
Thành kính tri ân tiền hiền có công lập ấp, dựng làng.
Gian thờ tiền hiền tại đình Thủy Tú Nha Trang có cả ban thờ tả ban và hữu ban
.......
Tôi theo đạo Công Giáo. Từ khi có trí khôn đến lúc lập gia đình chỉ quanh quẩn ở nhà, trường và nhà thờ. Khu vực Mỹ Ca tôi sinh ra và lớn lên cũng không có đình làng nên tôi chưa từng có dịp tham dự lễ hội. Năm ngoái (2024), trong một lần tìm hiểu tình trạng nghề dệt chiếu truyền thống tại làng Thuỷ Tú, gia đình tôi đi ngang qua một ngôi đình đang mở cửa. Người dân đang chuẩn bị cho lễ hội đình làng. Họ còn nhiệt tình tham dự lễ hội. "Toàn người dân làng, ai có lòng thì cứ tham dự thôi". Họ bảo tôi như thế.
Lúc bấy giờ tôi vừa nhận công việc mới tại Cam Ranh được hơn ba tuần. Nhà xa cơ quan nên ngày nào tôi cũng ngồi xe bus hai vòng, không dự được nghi thức rước sắc, lễ giỗ tiền hiền và phần khai tiệc cho trẻ em vào ngày đầu tiên. Khi tôi đến, những đứa trẻ còn nguyên bộ đồng phục trên người vẫn lũ lượt kéo đến theo đợt, vô tư chóp chép hết món này đến món kia cho nhanh no bụng mà chạy nhảy khắp sân đình. Những bà nội trợ tảo tần, đem sự tỉ mỉ vào mâm quả đầu mùa, vào từng món ăn, thức uống. Đám thanh niên thì hào hứng với phần múa đao. Cánh đàn bà chìm đắm trong giấc mơ diêm dúa, cao sang của chính mình trong phục trang của vũ đoàn. Ai cũng muốn góp phần vào phần “đình đám", “om sòm” này. Đây là ngày hội chung, và cũng là ngày hội của riêng mỗi người. Ai cũng có thể tìm thấy một phần hội dành của riêng cho mình trong đó. Khi lòng bạn đầy tràn và bụng bạn không còn trống chỗ, bạn sẽ dàng lắc lư theo vũ điệu tại võ ca. Sân đình rộn ràng, kẻ lam lũ kề cận người giàu sang, bằng cách nào đó, đều đã hoà vào niềm rạng rỡ, đủ đầy của đoàn dâng, đoàn rước. Tình cảm xóm giềng nơi đình làng cứ vậy mà len lỏi nhẹ nhàng vào ký ức.
Võ ca của Đình Thủy Tú Nha Trang là nơi diễn ra phần diễn xướng, hát bội
Tôi để ý thấy lũ trẻ kiên nhẫn đợi xong phần múa bóng mới đòi về. Hẳn chúng biết, tất cả những lễ vật đoàn múa mang đến sẽ được phân phát cho những kẻ kiên nhẫn đợi đến mãn phần. Chợt thấy tuổi thơ nơi đình Thuỷ Tú vẫn diệu kỳ. Theo chân cha mẹ chân thấp chân cao đi dự hội, chỉ đợi ông từ đình mở cổng, lũ trẻ sẽ ùa khắp sân. Chỉ đôi chai nhựa và một ít nước sạch, chúng đã bày đủ trò.
Tôi cũng cảm nhận được sự lành tính, dễ chịu và cởi mở trong gian bếp phía sau các ban thờ. Nhiều chị giúp việc bếp núc chia sẻ đã tham gia nấu tiệc mười mấy năm nay. Cứ đến ngày lễ là mỗi người mỗi tay. Đàn ông ngày thường có nhác việc nhà thì đến ngày hội cũng xăng xái phụ giúp dọn mâm, khuân vác. Ai cũng cố gắng đem hết sự thấu đáo của mình vào công việc chung, không phải vì "sợ bị quở trách" mà "để công việc được trọn vẹn". Nguồn năng lượng tích cực ấy được mang vào trong khâu đón tiếp, vào từng bàn tiệc, thậm chí là từng bàn ăn của trẻ em (vì mỗi bàn đều có người hỗ trợ các cháu dùng bữa). Tiệc cúng đình thường không đợi đủ người. Cứ đủ mâm là dọn cỗ. Mâm nào dùng xong thì bát đĩa được chuyển ra sau dọn dẹp ngay, luôn tay, sạch sẽ.
Kết thúc ba ngày hội đình, những người phụ nữ nào đón khách, nào dọn dẹp, nào lo lắng cho món ăn được tròn vị sẽ lại quay về với nhịp sống tảo tần. Lớp thanh niên trai tráng ôm hết việc hậu cần nặng nhọc sẽ mặc lại bộ đồ lấp lem, tấp mặt vào cuộc đời. Những hào lão lại tiếp tục vui vầy với cháu con, thầm nhớ lời hẹn gặp sang năm. Còn đình làng quê hương vẫn vững chải đứng đó, khoan dung đón nhận mọi ngổn ngang của nhịp sống đương đại, và trở thành nơi lưu giữ cái gốc cái tình của những người con thường xuyên xa làng.
Những người phụ nữ đem sự thấu đáo vào khâu đón tiếp, vào từng món ăn, thức uống
Bụi đô thị hoá có len vào cổng đình như một lẽ tất yếu, nhưng ngày hội đình làng Thuỷ Tú vẫn là nơi ánh xạ nhịp sum vầy, tề tụ. Qua bao thăng trầm, người đi xa vẫn có chỗ quay về.
“Làm dâu Thái Thông
đến hội đình vẫn nhớ tình làng Thuỷ Tú"
Qua bao đổi thay, hội đình Thuỷ Tú vẫn đầy đủ lễ nghi, và ấm đượm không khí tề tụ. Nó là ngày vui chung của già trẻ lớn bé trong thôn. Nó neo vào tâm hồn một kẻ ngoại đạo như tôi một sự trìu mến, ngưỡng vọng khi được nhìn thấy nhịp điệu khoan thai và rộn rã của lễ hội đình làng vốn chỉ có sách vở ngay nhịp sống đô hội hôm nay.
THUỶ TIÊN (viết 01.05.2024, hiệu đính 24.02.2025)
[1] Bên trái, bên phải được lấy từ vị trí của người thắp hương (xoay lưng ra ngoài, mặt đối diện với ban thờ).
[2] Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nghệ, tỉnh có nghĩa là coi xét, xem xét con vật thế thần, nên dù chương trình lễ hội viết Lễ thỉnh sanh, người viết bài đã chỉnh lại thành lễ tỉnh sanh. Xem chi tiết tại: https://www.ninh-hoa.com/NguyenVanNghe-DoiDieuTanManVeNghiThucCungDinhMieu.ht
[3] Thành phần lễ hội được giữ qua các năm, giờ giấc các thành phần có thể thay đổi.