Card image cap

VÌ SAO GỌI LÀ NHA TRANG?

Hôm qua cô con gái nhỏ 6 tuổi nhà mình đã hỏi mẹ "Nha Trang" có nghĩa là gì, vì sao thành phố mình lại có tên là Nha Trang. Mình đã trả lời con rất mượt:) Trong năm nay mình có cơ duyên đọc xong 8 cuốn về Nha Trang nên quyết định viết bài đều đặn trên blog, mở đầu bằng bài viết về nguồn gốc tên gọi địa danh Nha Trang. Trong bài viết này, mình có trích dẫn từ sách gồm: Xứ Trầm Hương (Quách Tấn), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), Văn hoá dân gian biển đảo Khánh Hoà những góc nhìn (Ngô Văn Ban), và Ba năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước (Gabrielle M. Vassal) để bạn đọc có thêm luận cứ khi sử dụng giải thích cho con cháu về sau.

Về nguồn gốc địa danh Nha Trang, hiện có 3 cách lý giải về nguồn gốc cái tên Nha Trang như sau: 

1. Nha Trang nghĩa là nhà trắng.

2. Nha Trang nghĩa là vùng đất ven sông nhiều lau sậy.

3: Nha Trang nghĩa là nơi con nước giao nhau.

Mình sẽ đi vào từng cách lý giải nhé.

1. Nha Trang không phải là Nhà Trắng  

Theo thiển ý của mình, có 2 nguyên nhân dẫn đến cách giải thích này. Một là, trong cuốn hồi ký “Ba năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước" của bà Gabrielle M. Vassal (nguyên tác Three years in Vietnam 1907-1910 được nhà xuất bản Heinemanne, London in năm 1910, bản bằng tiếng Pháp là Mes Trois Ans d’Annam do nhà xuất bản Hachette, Paris in năm 1912 bằng tiếng Pháp, Nguyễn Nam Huân dịch), ngay chương 2 - Làng chài lưới An Nam, trang 37, có viết Nha Trang, (tiếng An Nam là Nhà-Trắng) là một làng chài lưới khoảng 3000 người. Đây là thủ phủ của người Âu ở tỉnh khánh hoà, mặc dù số cư dân da trắng không quá hai mươi hay ba mươi người. Gồm ông sứ, viên chức làm việc trong tỉnh, viện Pastueur, vài người bỏ đất pháp sang đây làm ăn, đó là tất cả”.

Hai là, trong sách Xứ Trầm Hương trang 161-162 của Quách Tấn chép rằng “Người ngoại quốc đi ngang qua biển Cù Huân trông thấy đất liền hỏi là xứ gì, người thông ngôn thoáng thấy nhà bác sĩ Yersin trăng trắng bèn đáp “Nhà Trắng”, người ngoại quốc mới ghi vào địa đồ nhưng vì chữ Âu Châu không có dấu, nên ghi Nha Trang”. Quách Tấn cho rằng “đó là câu chuyện hài hước bày đặt ra để nhạo những ông thông dịch viên ít học”, và tin rằng tên Nha Trang có từ trước khi An Nam có đội ngũ thông ngôn tiếng Âu châu. Để thuyết phục hơn, Quách Tấn dẫn Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Siêu thời Tự Đức và Đại Nam nhất thống chí của Cao Xuân Dục soạn để minh chứng rằng tên Nha Trang có từ trước. Tuy nhiên, sau khi tra cứu, mình biết được Phương Đình dư địa chí được in lần đầu bằng chữ Hán vào năm Canh Tý 1900 (niên hiệu vua Thành Thái thứ 12) trong khi Pháp xâm lược Khánh Hoà năm 1885, vì thế, dùng Phương Đình dư địa chí và Đại Nam nhất thống chí để chứng minh tên Nha Trang có từ trước khi Pháp xâm lược chưa thuyết phục lắm. 


Tuyển tập sách viết về Nha Trang

Tổng hợp các đầu sách viết về Nha Trang 


Sau đó, mình tìm thấy trong sách Văn hoá dân gian Biển đảo Khánh Hoà những góc nhìn (Ngô Văn Ban) trang 318 có viết “khoảng nửa thế kỷ XVII trong bản đồ có tên Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư và Giáp Ngọ niên bình nam đồ. Trong Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 cũng đã có ghi từ Nha Trang”. Vì không tiếp cận được với 2 bản đồ trên, nên mình tra cứu thêm trong Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn (viết năm 1776). Đúng là trong Phủ biên tạp lục, địa danh Nha Trang xuất hiện nhiều lần, cụ thể, Nha Trang được đi cùng “nguồn Nha Trang" (trang 271), “đầm Nha Trang" (trang 272), “đèo Nha Trang" (trang 276), “chợ dinh Nha Trang” (trang 295) [1] 

Phần lời nói đầu, Viện sử học trong Phủ biên Tạp lục - Nhà xuất bản Văn hoá thông tin chú rằng, năm 1776, Lê Quý Đôn giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ 6 tháng ở Thuận Hoá, dù bận rộn tổ chức lại chính quyền, chăm lo đời sống kinh tế của người dân, ông vẫn viết Phủ biên tạp lục. Như vậy cái tên Nha Trang có trước năm 1776 khi Lê Quý Đôn làm nhiệm vụ ở Thuận Hoá. 1776 cách xa 1885 nên quan điểm Nha Trang không phải là Nhà Trắng rất thuyết phục. Mình nghĩ các bạn có thể loại bỏ quan điểm này khi giải thích về nguồn gốc địa danh Nha Trang cho con em mình. 

2. Nha Trang - vùng đất ven sông nhiều lau sậy hay nơi con nước giao nhau 

Cũng trong Xứ Trầm Hương của Quách Tấn, trang 161, tác giả viết rằng “Nha Trang do chữ Chàm Ea Tran hay Yajatran mà ra”. Tuy nhiên, ông không chú thích nghĩa của Ea Trang hay Yjatran. Còn Văn hoá dân gian Biển đảo Khánh Hoà những góc nhìn (Ngô Văn Ban) có phần giải nghĩa. Thầy Ban trích ý kiến của Nguyễn Thành Thống. Đến đây thì mình có thể hiểu được quá trình tầm nguyên nguồn gốc từ, tên địa danh thật sự tốn công tốn sức. Nguyên văn đoạn trích như sau “Nha Trang là từ gốc Chăm: Ya Trang, Ea Trang. Theo Nguyễn Thành Thống từ gốc Chăm đúng là như thế. Nhưng hiện nay, theo Nguyễn Thành Thống, có người đã giải thích sai nghĩa từ này. Họ thường giải thích Ýa, Ea là nước, sông; trang là lau sậy, tre… nên Ýa Trang/ Ea Trang là sông lau sậy, sông tre, nhưng như vậy là không đúng, vì trong tiếng Chàm, kraum chỉ cây tre, pabaow chỉ lau sậy và Pabao Trang chỉ cây miá đường.... Thật ra Ya Trang chỉ là một địa danh chỉ một nơi, một địa điểm, chứ không phải một vùng đất. Ya có nghĩa là nước, sông và Trang có nghĩa là giao nhau. Ya Trang không chỉ cả một vùng đất chạy dọc con sông Cái, hay cả một vùng đất Khánh Hoà ngày nay, vùng đất này đã có tên gọi là Kaut-Hara rồi, mà chỉ một địa điểm, một nơi mà thôi. Đó là nơi có tháp PoNagar. Ýa Trang/ Ea Trang có nghĩa là “nơi con nước giao nhau. Chúng ta thấy ngay điều này khi đứng trên tháp nhìn xuống thấy hai nhánh sông Cái giao nhau ngay bên dưới chân tháp để đổ ra cửa biển”
 

Từ tháp Bà Ponagar có thể nhìn thấy Nơi con nước giao nhau

Tháp Bà Ponagar là nơi các con nước giao nhau (sông gặp biển) 
 

Mình bèn theo đường link trong sách thầy Ban để tìm về blog Nguyễn Thành Thống, đọc được nguyên văn đoạn thầy Ban trích ở trên và còn biết thêm thông tin rằng, “cách hiểu Ya Trang là sông lau sậy, sông tre xuất phát từ học giả trước 1975 là ông Thái Văn Kiếm, ông này lại học lại cách giải thích trên của một trí thức Chàm lúc bấy giờ là ông Lưu Quý Tân (Jaya Panrang)” [2].

Vì mình chưa có điều kiện nghiên cứu tiếng Chăm cổ, nên mình tôn trọng cả hai cách giải thích. Hẹn sau này có duyên sẽ tìm hiểu. Hiện tại, phần đông độc giả đang giải thích Nha Trang là vùng đất ven sông nhiều lau sậy, sông tre nên mình viết thêm nghĩa còn lại “Ea Trang (hay Ya Trang hay Ja Trang) có nghĩa là “nơi con nước giao nhau” một chút. Mình đồng tình quan điểm Ea Trang/Ya Trang là tên gọi một khu vực/điểm nào đó chứ không phải tên của cả vùng đất. Các tài liệu sách sử cũng ghi nhận rằng vùng đất Khánh Hoà khi chưa thuộc về Đại Việt có tên là Kaut Hara (Kauthara). Ngoài ra, khi tra cứu Phủ biên tạp lục, lau sậy không được liệt kê trong mục đặc sản của Nha Trang, nghĩa là lau sậy và tre không phải là điểm gợi nhớ, hay điểm nổi bật đại diện cho vùng đất này. Đặc sản được nhắc đến là kỳ nam hương, trầm hương, yến sào, lá buôn và chằng (song mây) [3]. Ở đây mình giả định tre và song mây (chằng) khác nhau về chủng loại, điều kiện sống và địa điểm phân bổ. Hai suy luận này khiến mình thiên về cách lý giải Ea Trang là nơi con nước giao nhau hơn. Dù vậy, vẫn cần bổ sung thêm một lưu ý khác nữa để cách giải nghĩa "điểm giao ấy là nơi hai nhánh sông Cái giao nhau trước khi đổ ra cửa biển, có thể nhìn thấy rõ khi đứng từ Tháp Bà Ponagar nhìn xuống" không bị hiểu nhầm. Đó là cần phải hiểu, từ tháp Bà có thể nhìn thấy sông Cái đổ ra biển Đông (không cần chi tiết là hai nhánh sông Cái giao nhau trước khi đổ ra biển).

Vì trước đây, sông Cái sâu và rộng, giữa lòng sông không có cồn bãi. Hai chi sông Cái giao nhau quanh Cồn Dê/Cồn Ngọc Thảo trước khi đổ ra cửa biển, sau đó lại tiếp tục giao nhau quanh cồn Xóm Bóng như hiện tại chỉ xuất hiện sau này, nghĩa là trước đây, sông Cái đến Ngọc Hội thì chảy thẳng ra biển, không phân lưu. [4] 

Theo nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền, sông Cái xuất phát từ dãy Trường Sơn - núi Gia Lố, khi đến Nha Trang, qua Ngọc Hội (phường Ngọc Hiệp) đã phân lưu ra làm 2 chi: Một qua cầu Hà Ra và một qua cầu Xóm Bóng. Trước khi đổ ra biển, sông lại chia đôi, ôm lấy hai cù lao lớn là Xóm Bóng và Ngọc Thảo. Cạnh đó còn có một cù lao nhỏ (khu Champa Island). [5]. Mình tin là cái tên Ea Trang có từ trước khi sông Cái phân lưu nên chú thích thêm điểm này, đại ý là từ Tháp Bà Ponagar có thể nhìn thấy con nước giao nhau - sông Cái gặp biển Đông ngay cửa Đại (Đại Cù Huân), dù lòng sông đã có Cồn Dê hay chưa.


Khi đến Nha Trang, qua Ngọc Hội (phường Ngọc Hiệp) sông Cái Nha Trang phân lưu ra làm 2 chi: Một qua cầu Hà Ra và một qua cầu Xóm Bóng. Trước khi ra cầu Hà Ra, hai chi của ôm lấy cù lao Ngọc Thảo/cồn Dê. Trước khi đổ ra biển, sông lại chia đôi, ôm lấy cồn Xóm Bóng (ngay cầu Hà Ra và cầu Xóm Bóng như hình trên) 

Ngoài ra, khi đến Vĩnh Ngọc, con sông Cái chia làm hai nhánh, nhánh theo hướng Đông Nam, men chân núi Đồng Bò qua Vĩnh Trường đổ ra biển gọi là Cửa Bé. Cái tên cửa Bé (tên chữ là Tiểu Cù Huân) là tên dân địa phương gọi, không rõ có từ khi nào, nhưng khi bà Vassal vừa đến Nha Trang từ Sài Gòn thì đến Cửa Bé đầu tiên và được người dân cõng vào thành phố. [6].

Cửa Bé là nơi nhánh nhỏ còn lại của sông Cái (phân lưu tại Vĩnh Ngọc) đổ ra Biển Đông tại Cửa Bé ở Vĩnh Trường, Nha Trang.

Nghĩa là ở Nha Trang có 2 điểm thoả mãn ý “nơi con nước giao nhau" cơ ^^ Để nhìn thấy điểm con nước giao nhau tại Cửa Bé, có thể đến núi Cảnh Long (dưới chân núi là Viện hải dương học Nha Trang).

3. Vì sao Nha Trang lại đặt tên theo Tiếng Chăm cổ:

Vì phần diện tích Nha Trang Khánh Hoà ngày nay, hơn 500 năm, thuộc về tiểu vương quốc Kaut-Hara của vương triều Champa.

Trong sách Núi xanh nay vẫn đó (NXB văn hoá văn nghệ, in quý 3/2016), trang 436 Nguyễn Duy Chính có trích nghiên cứu của Tâm Quách - Langlet, cho rằng Champa cổ bao gồm 5 phần, mỗi phần có một trung tâm văn hoá.

+ Phía bắc có Indrapura nay thuộc Bình Trị Thiên tức là các châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính mà Chế Củ nhượng cho Lý Thánh Tông để xin chuộc mạng. Ngoài ra còn phải kể thêm 2 châu Ô, Rí là phần đất Chế Mân dùng làm sính lễ để xin cưới công chúa Huyền Trân đời Trần.
+ Kế đó là Amaravati, nay là Quảng Nam và Quảng Ngãi, có trung tâm văn hoá Trà Kiệu (Sinmhapura hay Indrapura)
+ Khu thứ ba là Vijaya, tức Bình Định ngày nay, thủ đô là Chà Bàn (Giáo sư Hoàng Xuân Hãn phiên Trà Bàn không phải Đồ Bàn vì ông cho Trà và đồ dễ nhầm lẫn, sách Âu Châu cũng dùng Chaban). Có cửa bể Cri- Bonei (Thị Nại), phía nam chấm dứt ở đèo Cù Mông.
+ Khu vực thứ 4 là Kaut Hara nay thuộc Khánh Hoà có 2 sông chính là sông Cái và sông Đà Rằng, có đền Ponagar tượng trưng cho vương quyền Chiêm quốc.
+ Vùng đất cuối cùng là Panduranga nay là Bình Thuận, Ninh Thuận.


Năm 1653 đi vào lịch sử Khánh Hoà với sự ra đời của dinh Thái KhangSau khi cai cơ Hùng Lộc tấn công Champa, nhận được lời xin hàng của vua Champa Bà Tấm, chúa Nguyễn Phúc Tần chấp nhận lệ triều cống và giao vua Bà Tấm cai quản phần đất từ sông Phan Rang trở vào nam, đồng thời lập dinh Thái Khang trên phần đất từ Phan Rang trở ra Phú Yên. Việc lập dinh và chia dinh thành hai phủ: Thái Khang (gồm 2 huyện Quảng Phúc và Tân An) và Diên Ninh (Phước Điền, Vĩnh Xương, Hoa Châu), nhà Nguyễn đã đặt hệ thống quản lý hành chính lên vùng đất Khánh Hoà. Diện mạo Khánh Hoà ngày nay đã hình thành từ đó, trên cơ sở dung hoà của các thiết chế văn hoá tín ngưỡng của người Việt (di dân từ dinh Thuận Hoá và Quảng Nam) với văn hoá bản địa (người Champa). Như vậy là sau 42 năm ngày Phú Yên thuộc về Đại Việt (năm 1611), 182 năm sau ngày vua Lê Thánh Tông mở rộng lãnh thổ đến tỉnh Bình Định (năm 1471), và 95 năm ngày chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, địa giới lãnh thổ Khánh Hoà chính thức đi vào bản đồ Đại Việt. Đó là lý do tối 3/6/2023, tại Festival biển Nha Trang đã long trọng diễn ra sự kiện 1653 drone light (thiết bị bay không người lái) chào mừng 370 năm thành lập và phát triển tỉnh Khánh Hoà. 


Chú thích:

[1]. Các lần nhắc đến Nha Trang trong Phủ biên tạp lục như sau: 
“Phủ Diên Khánh, nguồn Nha Trang hàng năm tiền thuế 1 vạn quan" (trang 270, 271)
"Phủ Diên Khánh, …. đầm Nha Trang hàng năm tiền thuế 182 quan; đầm Đồi Mồi hàng năm bạc thuế 19 hốt, tiền 150 quan; vụng cù lao Hòn Cửa ngoài biển hàng năm tiền thuế 350 quan; đầm Vụng Găng hàng năm tiền thuế 900 quan, vàng 8 hốt". (trang 272)
"Phủ Bình Khang, … đèo Nha Trang tiền thuế 163 quan, chợ dinh Bình Khang tiền thuế 166 quan 2 tiền; tuần Hòn khói tiền thuế 91 quan; dò cửa Bình Khang và đò dinh Bình khang tiền thuế 62 quan; đò Quán Cát tiền thuế 50 quan 5 tiền. Phủ Diên Khánh, chợ dinh Nha Trang tiền thuế 60 quan 6 tiền; chợ Vĩnh An tiền thuế 52 quan 8 tiền; tuần Cam Ranh tiền thuế 105 quan 3 tiền; chợ Phú Vinh và đò (trang 276) 
"Phàm hoá vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thuỷ đường bộ, đi thuyền đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều đến tụ tập ở đấy để mua về nước. trước đây hàng hoá nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được" (Trang 295)

[2] Xem chi tiết tại đây: https://petruspaulusthong.wordpress.com/2017/02/10/tu-thuat-3/#more-645 

[3] Các đặc sản của Khánh Hoà thời Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục lần lượt được liệt kê như sau
(Trang 425) Kỳ nam hương xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất; xuất tự phú yên và Quy Nhơn là thứ hai. Hương ấy là do ở ruột cây gió kết thành. Gió có ba loại: gió lưỡi trâm thì thành khổ trầm, gió niệt thì thành trầm hương, gió bầu thì thành kỳ nam hương.
(Trang 411) Hai phủ Bình khang Diên Khánh, ngoài thuế thường còn có thuế biệt nạp 400 sợi mây hoa, 500 ngọn lá buôn. Mây hoa sản ở phủ bình Khang, hoa đen trắng xen nhau, thứ lớn thì đốt hoa ngắn ngày, thứ nhỏ thì đốt hoa dài. Cây lụi sản ở ba thuộc phủ Quy Nhơn rất bền tốt. Xà Chày cũng sản ở Quy Nhơn, mềm mà không gãy có thể làm cán giáo. Quan cai Đồ gia thường hạ lệnh cho quan công trường dih ấy lấy hoặc 1000 cây, hoặc 500 cây, giao cho các thuyền buôn đi theo đoàn thuyền chở thuế sai dư đệ nộp.
(Trang 412) Lá buôn sản ở dinh Bình Khang trắng mà nhỏ mịn quan cai đồ gia thường hạ lệnh cho ký lục cai bạ dinh ấy sai mua mây làm 20 tấm để nộp, để cho các thờ dùng làm bong che.

[4] Xem chi tiết tại đây: https://baokhanhhoa.vn/ky-niem-370-nam-hinh-thanh-phat-trien-tinh-khanh-hoa/202303/song-trong-long-thanh-pho-8278167/
[5]. Xem chi tiết tại đây: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/201801/noi-song-gap-bien-8067380/ 
[6] Cửa Bé không có nổi một bến tàu dù là thô sơ đi nữa như các làng chài nghèo dọc bờ biển xứ An Nam này. Buộc lòng chúng tôi phải để cho mấy người bản xứ cõng vào bờ” (trang 36 - chương 2 Làng chài lưới An Nam)

* Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho Du lịch văn hoá để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

698 lượt xem

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật