Card image cap

MỆNH DANH "TỨ THUỶ TRIỀU QUY TỨ THÚ TỤ" CỦA NHA TRANG CÓ CÒN KHÔNG?

Một lần nọ, mình được nhờ tư vấn các danh thắng Nha Trang với lưu ý: không chùa chiền, không nhà thờ đền tháp, không địa điểm tâm linh tôn giáo. Như vậy, những địa điểm có mặt trong các lịch trình city tour chỉ còn Viện Hải Dương học và Hòn Chồng. Người nhờ tư vấn cũng đưa chợ Đầm ra khỏi danh sách điểm đến phải tại Nha Trang. Mình bèn viết bài này để giới thiệu về huyền danh “tứ thuỷ triều quy, tứ thú tụ" của Nha Trang để người đọc có thêm thông tin về huyền thoại thiêng liêng của vùng đất sông gặp biển này. "Tứ thuỷ triều quy, tứ thú tụ" vốn là chiêm nghiệm của cụ Quách Tấn - tác giả Xứ Trầm Hương sau nhiều năm sinh sống tại Nha Trang và trao đổi với các thầy phong thuỷ.

1. “Tứ thủy triều quy, tứ thú tụ” nghĩa là gì? Vì sao Nha Trang được ví là đại cuộc "Tứ thuỷ triều quy, tứ thú tụ"? Mình xin giải thích theo từng vế.

“Tứ thuỷ triều quy" nghĩa là bốn mặt đều có nước bao quanhPhía Tây Nha Trang là sông Cái, đổ từ Khánh Vĩnh ngang Diên Khánh rồi vào Nha Trang, khu vực phía Tây này sẽ được quy hoạch thành khu vực đô thị phía Bắc sông Cái; Phía Nam là sông Tắc, sông Quán Trường; phía Bắc là sông Ngư Trường; phía Đông là biển: tại P. Vĩnh Trường có tên là Cửa Bé, và tại P. Xương Huân là Cửa Đại Cù Huân. Bạn đọc có thể theo dõi ảnh bên dưới của nhiếp ảnh gia Lê Minh Hiếu để ngắm Nha Trang từ trên cao. Dù bức ảnh chỉ lột tả được dòng chảy con sông Cái khi đến Nha Trang và đổ ra cửa biển Đại Cù Huân (gần toà nhà Mường Thanh Khánh Hoà - ở cuối ảnh phía tay trái), chưa bao quát được nhánh còn lại của sông Cái khi đổ ra Cửa Bé, nhưng nhìn vào, bạn đọc có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng: Dù được biết đến là thành phố biển nhưng Nha Trang còn được bao bọc bởi những con sông: sông Cái, sông Tắc, sông Quán Trường, sông Ngư Trường. Bức ảnh cũng cho thấy Nha Trang cũng là thành phố được đồi núi bao phủ, nhìn ba mặt đều có hướng núi.

 

Bức ảnh này có 3 cây cầu, từ trái qua phải là cầu Hà Ra, cầu nối khu vực cồn Xóm Bóng và Champa Island, và cầu Xóm Bóng. Sông Cái khi vào đến Nha Trang có 3 lần phân tách: lần đầu tại tại Vĩnh Ngọc (hai nhánh này một để chảy về Đồng Bò & Vĩnh Trường, một chảy về Ngọc Hội), lần thứ hai tại Ngọc Hội (một chi chảy vào Phương Sài đổ ra Hà Ra, một chi qua Xóm Bóng để đổ ra biển). Cồn đất đầu tiên được 2 chi sông Cái ôm lấy trước khi nhập lại và đổ ra cầu Hà Ra là cồn Dê/cồn Ngọc Thảo. Ngay cồn Ngọc Thảo, sông Cái lại tách ra lần thứ 3 và ôm lấy Xóm Bóng (trong ảnh là cuộc đất lớn nhất và là cuộc đất sau cùng trước khi sông đổ ra biển).[1] Một hành trình ngoạn mục kéo dài từ ngoại ô đến trung tâm thành phố, làm nên những bến sông quê, những vườn cây ăn trái và những cồn đất giàu phù sa khiến du lịch đường sông của Nha Trang trước Covid-19 là lựa chọn hàng đầu của khách du lịch tàu biển. Chỉ qủa bức ảnh, bạn đọc có thể hình dung Nha Trang là một vùng đất được mặt nước bao phủ bốn bề khiến các nhà phong thuỷ nhận định Nha Trang "tứ thuỷ triều quy".

Tứ thú tụ” là ẩn dụ hình dáng 4 con thú của 4 hòn núi trấn thủ quanh Nha Trang.

Núi Cảnh Long ở Chụt là con rồng. Danh thắng gắn liền với núi Cảnh Long là Viện Hải Dương học Nha Trang.

Hòn Sinh Trung ở Hà Ra là con voi. Bởi đứng cạnh đầm Xương Huân (đã bị lấp để xây chợ Đầm) nên núi được gọi là “Bạch tượng quyện hồ” nghĩa là “Voi trắng cuốn hồ”. "Di tích trên núi là Đền Tinh Trung/Sinh Trung thờ 350 công thần nhà Nguyễn bị tử trận trong cuộc tranh hùng cùng nhà Tây Sơn". "Núi Sinh Trung và đầm Xương Huân vốn có tình "cốt nhục" [2]. Sau đức Từ Cung ghé thăm và vận động người dân xây dựng chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa trên núi Sinh Trung đến nay vẫn còn.

Núi Trại Thủy là con dơi. "Là một hòn độc sơn nằm ở địa đầu thành phố, về hướng Tây, hình giống con dơi sè đôi cánh, phía Bắc gần sông Ngu Trường, thường gọi là hòn Xưởng, Khố Sơn, tục danh Hòn Kho [3]. Núi Trại Thuỷ được ví như “Ngọc bức hàm hoàn”, nghĩa là “Dơi ngọc ngậm vòng" [3]. Trên núi là đền Quan Công và miếu Ngũ Hành [4]. Có tên Trại Thuỷ là vì sau khi lấy được Diên Khánh, Nguyễn Ánh cho lập trại nơi đây - gần bến Trường Cá, tức Phương Sài ngày nay [5] để thuỷ binh đóng giữ mặt biển. Nơi đầu dơi, hoà thượng Giác Phong lập chùa Hải Đức trang nghiêm với tăng phòng, học viện, tịnh thất; Hội Phật giáo Khánh Hoà đúc tượng Kim Thân Phật tổ bằng thạch cao nơi "lưng dơi". Dưới chân núi, ngay góc tiếp giáp "cổ dơi" và "cánh tả", hội Phật giáo cất ngôi chùa Long Sơn [6].

Hòn Hoa Sơn, còn gọi là Núi Một, núi Bông (ngã sáu, đầu đường Nguyễn Trãi ngày nay) là con rùa. Trên núi có ngọn cổ tháp, nên gọi là “Kim quy đới tháp”, nghĩa là “Rùa vàng đội tháp”. Ngôi tháp cổ giờ lẫn giữa nhà dân, chỉ còn lưu dấu danh thắng Nhà thờ Núi. Nguyên thủy, núi này khi không bị cắt thành hai cụm nhỏ (bởi đường Nguyễn Trãi ngày nay). Sau "người cầm quyền mới đào sâu phá bằng để làm con đường Phước Hải. Nhà thờ Nha Trang cất sau khi đã trổ con đường Phước Hải, vào khoảng 1930 - 1935. Hiện nay là nhà thờ Chánh toà của địa phận Nha Trang" [7].
Khi còn sống, cụ Quách Tấn đã từng cảm thán "nhưng rồi phía Nam sông Nha Trang bị lấp, cổ con thanh long và con kim quy bị cắt, long mạch bị tổn thương. Long mạch mới bị tổn tương chớ chưa đứt hẳn, nên nhân dân sở tại dù không phát đại phú đại quý nhưng vẫn sung túc phong lưu, và trải qua bao phen khói lửa dậy nơi nơi, Nha Trang vẫn được yên ổn hơn đâu hết [8] Cuốn Xứ Trầm Hương được cụ hoàn thành vào trung tuần tháng 7/1969. [9] Công việc lấp đầm Xương Huân bắt đầu vào ngày 12/4/1969, kéo dài 6 tháng, theo Sắc lệnh số 66 - SL/CC-GTVT của Thủ tướng chính phủ Việt Nam cộng hoà. Trước đó, 16/9/1968, chợ Đầm xảy ra hoả hoạn. Tổng thống Việt Nam Cộng hoà sau vụ cháy đã thị sát và quyết định gấp rút cho tái thiết Chợ Đầm[10]. Lúc 16 giờ ngày 12.12.1969, ông Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng đại diện Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, đến Nha Trang dự lễ đặt viên đá đầu tiên tại khu chợ Đầm. Sự kiện này được viết lại trong cuốn tài liệu Công tác tái thiết khu chợ Đầm (Kỹ sư công chánh Trần Sĩ Huân - Trưởng ban Tái thiết khu chợ Đầm, Bộ Công chánh, Tổng cuộc Phát triển Gia cư & Địa ốc in năm 1972) [11] Như vậy, khi viết xong Xứ Trầm Hương thì đầm Xương Huân chưa bị lấp xong, diện mạo chợ Đầm còn chưa hiển lộ, con bạch tượng quyện hồ chưa bị ảnh hưởng. Vậy hiện trạng "Tứ thú tụ" của Nha Trang hiện nay như thế nào, khi diện mạo Chợ Đầm được xây mới và sử dụng sau hơn 50 năm?

2. Hiện trạng Tứ thú tụ của Nha Trang hiện nay - Cập nhật năm 2024.

2.1 Con rồng ở Núi Cảnh Long ở Chụt với Viện Hải Dương học Nha Trang. Đến địa điểm Cầu Đá (bến tàu du lịch cũ), bạn đọc sẽ thấy con dốc nơi đây cắt núi Cảnh Long ra làm đôi, một chạy dài từ Cầu Đá ra Cửa Bé. Một từ Cầu Đá chạy thẳng ra biển. Tại con dốc này, có 2 danh thắng: Lầu Bảo Đại ở trên dốc và Viện Hải Dương học ở dưới dốc. 

​Lầu Bảo Đại Nha Trang được dùng để chỉ về cụm 5 biệt thự do người Pháp năm 1923 xây làm chỗ trú ngụ của các nhà hải dương học trong quá trình thành lập viện nghiên cứu đa dạng sinh học tại vùng biển ở Nha Trang nói riêng và vùng biển Đông Nam Á nói chung. Sở dĩ có tên lầu Bảo Đại là vì khoảng năm 1940-1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương thường chọn cụm biệt thự này làm nơi nghỉ dưỡng. Tháng 10/1995, tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự Cầu Đá - lầu Bảo Đại là “di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”. Bãi biển hoàng hậu nơi đây cũng khiến bao người nức nở bùi ngùi vì nền biển xanh thẳm giữa núi rừng, nhìn lên những căn biệt thự kiểu Pháp đầy hoài niệm, đan cài bởi sức sống hiện đại mãnh liệt của những trụ cáp treo Vinpearland/WinWonder. Tuy nhiên, suốt 13 năm nay, lầu Bảo Đại không còn nằm trong danh sách các địa điểm city tour, việc viếng thăm điểm gợi nhớ một thời cũng trở nên xa rời thực tế. Sự việc bắt đầu vào tháng 9/2011 khi UBND tỉnh Khánh Hoà đồng ý giao di tích lầu Bảo Đại cho công ty Cổ phần Đầu tư Khánh Hà (liên doanh Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) và Tập đoàn Hà Đô) để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Đến năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hoà yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết dự án, đồng thời xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi tiếp tục thực hiện dự án vì nhận được nhiều phản ánh doanh nghiệp phá nát di tích lầu Bảo Đại. Đến 30/10/2023, UBND tỉnh Khánh Hoà giao 5 khu biệt thự này cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh. Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích đã làm việc với đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Khánh Hà về việc bàn giao, tiếp nhận 5 căn biệt thự di tích này vào chiều 21/11/2023. Mong là danh thắng một thời sẽ sớm mở cửa trở lại đón du khách. [12] 

Viện Hải Dương học Nha Trang: (sẽ cập nhật)


2.2 Hòn Sinh Trung ở Hà Ra là con voi. Vết tích còn sót lại là chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa toạ lạc tại 132 Sinh Trung, gần công viên Sinh Trung và đường 2/4. Sau đức Từ Cung ghé thăm và vận động người dân xây dựng chùa Kỳ Yên Trung Nghĩa trên núi Sinh Trung đến nay vẫn còn.



2.3 Núi Trại Thủy là con dơi. "Bến Ngư Trường nay là Phương Sài" trong đề cập của cụ Quách Tấn ngày trước hiện nay chỉ còn là một lạch nhỏ tại cầu Hộ nằm trên đường Bến Cá, P. Phương Sài, TP. Nha Trang (Sát bên nhà sinh hoạt cộng đồng của UBND Phường Phương Sài). Lạch này dài khoảng 11 chấn song bằng thạch cao, mỗi chấn song dài gần 2m. Tấm ảnh này mình chụp thì iPhone tự định vị là sông Kim Bồng, P. Phương Sài.


Núi Trại Thủy chạy dọc theo đường 23-10 hiện nay. Hiện tại, núi Trại Thuỷ là địa danh còn nguyên vẹn nhất và là nơi toạ lạc của 3 ngôi chùa cổ linh thiêng: Chùa Long Sơn nơi có bức Kim Thân Phật tổ lớn nhất Việt Nam nơi lưng dơi, Phật học Viện Hải Đức cổ dơi, và chùa Linh Phong xây trên nền đền Quan Thánh xưa, đến nay vẫn còn vết tích phối thờ Quan Thánh. 


2.4 Hòn Hoa Sơn, còn gọi là Núi Một, núi Bông (khu ngã sáu, đoạn đầu đường Nguyễn Trãi). Ngôi tháp cổ giờ lẫn giữa nhà dân, chỉ còn lưu dấu danh thắng Nhà thờ Núi. 
Nhà thờ Chánh toà Nha Trang được người dân gọi là nhà thờ Núi vì nhà thờ được xây trên Núi Một. Nhà thờ toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá: từ con đường đi lên cho đến tháp chuông, diện tích lát đá tại nhà thờ rộng đến 700m2 với hơn 20.000 viên đá lót đường và 600 viên đá viền. Nhà thờ nổi bật nhờ những khối lập thể đá vươn cao, vừa tuân thủ đúng tinh thần kết cấu nhà thờ Gothic đặc trưng, lại vừa sáng tạo thêm hai hành làng chống nóng ở hai bên để giảm ánh nắng vào thẳng nhà thờ - một nét bản địa hoá độc đáo của người xây dựng nhà thờ. Xem thêm thông tin về nhà thờ Chánh toà Nha Trang tại đây.

Ngọn Núi Một ngày nay đã mất dấu. Con đường Nguyễn Trãi là con đường đã chia đôi ngọn núi Một: một bên là nhà thờ Đá Nha Trang, một bên là khu dân cư.


Từ phải qua trái: đường Thái Nguyên, Nhà thờ Núi, đường Nguyễn Trãi, đường Núi Một, tiếp theo là đường Lê Thánh Tôn (không có trong ảnh, đi xuống tháp Trầm Hương và quảng trường biển 2/4).
Ngôi tháp cổ giờ chỉ còn ngôi mộ của sư ông, nằm lẫn giữa nhà dân, chỉ còn lưu dấu danh thắng Nhà thờ Núi. 
Để đi đến mộ sư ông, bạn đi vào đường Núi Một, đến tiệm bán dụng cụ làm bánh Nemo bạn gửi xe hỏi lên thăm mô sư ông ở trên núi, chủ quán sẽ chỉ đường cho bạn. Hoặc bạn cứ vừa đi vừa hỏi đường đến mộ sư ông thì người dân trên đường đi sẽ hướng dẫn bạn đến. Mộ nằm lẫn khuất, phải qua nhiều đoạn rẽ mới đến. Bạn có thể đọc thêm bài viết về ngọn núi Một và mô sư ông tại bài viết này 

[1]  Theo trao đổi trực tiếp với nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban, Xóm Bóng nằm bên trái cửa sông Cái Nha Trang (phía bên Tháp Bà), bên phải là Xóm Cồn (gắn liền với tên tuổi bác sĩ Yersin), sau đổi là Xóm Nhất Trí, hiện nay đã giải tỏa, xây bờ kè thành con đường nối đường 2/4 vời đường Trần Phú (ngay chân cầu Trần Phú) mang tên đường Xóm Cồn
[2] Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Omega Plus phát hành, 2019, tr. 71.
[3] Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Omega Plus phát hành, 2019, tr. 72
[4] Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Omega Plus phát hành, 2019, tr. 73
[5] cụm từ Phương Sài ngày nay là nguyên văn của Quách Tấn, tức là Phương Sài ở năm 1969. Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Omega Plus phát hành, 2019, tr. 72-73.
[6] Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Omega Plus phát hành, 2019, tr. 74
[7] Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Omega Plus phát hành, 2019, tr.172
[8] Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Omega Plus phát hành, 2019, tr.171
[9] Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Omega Plus phát hành, 2019, phụ lục, I. Hồi ký bóng ngày qua, tr.521
[10] Nguyễn Thị Kim Hoa và Nguyễn Văn Tuấn, Chợ Đầm trong dòng chảy lịch sử vùng đất Nha Trang - Khánh Hoà, Tài liệu hội thảo "Giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hoá, xã hội, kinh tế và thương hiệu chợ Đầm Tròn", Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Khánh Hoà, 30/10/2023, tr.5. Phần chú thích có ghi rõ "Bộ Công chánh và GTVT, Văn bản số 294/VP/M, ngày 10/12/1969, gửi Đại tá, Chánh VP Tổng thống, Trích yếu "Dự thảo đáp từ của Tổng thống trong buổi lễ đặt viên đá đầu tiên cho công tác tái thiết khu chợ Đầm tại Nha Trang ngày 12/12/1969", Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, lưu tại thư viện tỉnh Khánh Hoà. 
[11] Xem chi tiết tại đây: https://thanhnien.vn/di-tim-lai-lich-cho-dam-phep-tinh-cua-mot-tinh-ngheo-xay-cho-185231207231246972.htm 
[12] Xem chi tiết tại đây: https://tienphong.vn/di-tich-lau-bao-dai-bi-pha-nat-de-lam-biet-thu-nghi-duong-post1138340.tpo, 
https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202311/ubnd-tinh-khanh-hoa-giao-5-biet-thu-o-di-tich-lau-bao-dai-cho-trung-tam-bao-ton-di-tich-tinh-quan-ly-8ad2b9d/, 
https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202311/trung-tam-bao-ton-di-tich-tinh-trien-khai-viec-tiep-nhan-5-can-biet-thu-di-tich-lau-bao-dai-59643ac/

* Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho Du lịch văn hoá để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

1224 lượt xem

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật